Tháng bảy cô hồn năm ấy đến trong cơn mưa dầm rả rích. Mới đầu tháng nhưng mà tro tàn của đống vàng mã đã bay khắp nơi. Người dân thị trấn quê tôi có tục lệ, từ ngày mồng một đến ngày mười bốn âm lịch, người ta sẽ cúng cháo trắng và đốt tiền giấy đều đặn để cho vong hồn của những người chết bất đắc kỳ tử, chết đường chết chợ được an ủi phần nào.
Nhiều người ở dưới thành phố đi ngang nơi đây, thấy chúng tôi cúng kiếng chỉn chu như thế thì cười, bảo rằng ở đây quanh năm yên bình, đường xá vắng vẻ, chẳng mấy khi có tai nạn giao thông thì cúng vong ngoài đường làm gì cho tốn kém?
Người khác có thể không tin, chứ riêng dân bản địa như chúng tôi thì biết rất rõ, nơi này nhiều vong hơn bất kỳ chỗ nào khác, âu cũng là bởi nhiều nguyên do.
Quê tôi vốn nằm trên trục đường quốc lộ, ngay đằng sau thị trấn là những rặng núi trùng trùng điệp điệp. Chúng đều hoang vu hẻo lánh đến mức, muốn đi từ nhà này sang nhà khác phải mất nửa ngày đường. Tôi còn nhớ, có những năm lũ quét bất ngờ ập đến, từ trên cao ùn ùn đổ xuống dòng sông cuồn cuộn chảy toàn là đất đá, cây cối, lợn gà của người dân trên bản.
Trong dòng nước đục ngầu ấy, còn có cả những xác chết bị cuốn. Cơn lũ quét đi qua, mấy chú bộ đội biên phòng cùng tổ công tác cứu nạn lại căng mình tìm kiếm trong đống bùn đất đổ nát hoang tàn ấy những xác người còn xót lại.
Có lần, chính mắt tôi trông thấy hai cái xác bị cụt đầu mắc kẹt giữa hai thân cây cổ thụ, hai tay vẫn còn chột chặt với nhau, chân bị kẹp trong đống đất đá. Chú Bảo làm nhiệm vụ kiểm lâm ở sát vách nhà tôi phải huy động thêm hai anh em nữa, bê hết khối đá dưới chân họ, sau đó mới dùng kéo để cắt đứt sợi dây cột trên tay, cuối cùng mới hạ được cỗ thi hài kia xuống. Mọi người suy đoán rằng, có lẽ hai người này không muốn bị lạc mất nhau khi chạy lũ, nên mới cột chặt hai tay lại như vậy, cuối cùng đành chết oan cả đôi.
Ngoài hai xác chết ấy, tôi còn thấy cơ man thi hài của đồng bào sống ở thượng nguồn, thậm chí có khi người ta còn vớt được những người lái buôn xấu số, không may bỏ mạng giữa đường. Mỗi một cơn lũ qua là bãi tha ma dành cho xác chết vô danh lại có thêm nhiều nấm mồ mới. Có nhiều thi hài được người nhà lặn lội lên nhận diện, cũng có thi hài bị bỏ lại mãi mãi nơi đại ngàn, có khi cũng chẳng còn ai nhớ đến.
Chính vì thế mà cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, trong thị trấn lúc nào cũng nghi ngút khói nhang, giấy tiền vàng mã bay khắp nơi. Vào ngày đúng ngày rằm, các cụ bô lão sẽ trịnh trọng điều hành lễ tế vong hồn vất vưởng, sau đó sẽ đốt một thuyền chở đầy hình nhân rồi để mặc cho gió bay khắp nơi. Đến sáng ngày mười sáu âm lịch thì pháp sự mới được xem là viên mãn...……
Tháng cô hồn năm tôi học lớp mười, trời đổ mưa liên tục. Cơn mưa dầm dề kéo dài mấy ngày, việc đi học của tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vào những ngày trời khô ráo, tôi hay đạp xe băng qua con đường mòn trong rừng để đi tới trường. Con đường này tuy vắng vẻ, nhưng lại rút ngắn quãng đường đi học của tôi đáng kể. Những ngày trời mưa, dù chỉ lác đác vài hạt mưa thôi, tôi cũng vẫn phải đạp xe trên đường quốc lộ, cũng là con đường băng ngang qua căn nhà quỷ trạch của gia đình tôi. Đường này tuy dễ đi, nhưng lại xa hơn hẳn đường mòn. Thêm vào đó, việc đi trong rừng vào ngày mưa sẽ nguy hiểm hơn gấp bội.
Người ta có câu nói “Người đi biển sợ bão, người đi rừng sợ mưa”, giông bão ngoài khơi xa như thế nào, thực tình tôi không biết rõ. Thế nhưng với cánh cửu vạn lấy hàng ngoài biên giới thì mưa rừng lúc nào cũng là một cơn ác mộng. Mưa sẽ làm cho đất dưới chân trở nên lầy lội, trơn trượt khó đi. Sau khi mưa, khí hậu ẩm ướt, rắn rết bò ra ngoài hang kiếm ăn khiến cho cánh đi rừng lại càng phải cảnh giác hơn gấp bội, vì đôi khi chỉ cần sơ sảy một chút mà đạp nhầm vào rắn thì chỉ còn nước vong mạng. Ngày trước khi bố mẹ tôi còn sống, lúc nào trong tủ thuốc của gia đình cũng có sẵn một bộ giác hút nọc rắn, phòng trường hợp không may.
Thế nhưng đối với tôi, những rủi ro đó đều chẳng là gì khi mỗi lần đi đến trường, tôi lại phải đi ngang căn nhà cũ đã từng ở trước đây. Bao nhiêu năm qua nó vẫn vậy, vẫn là ngôi nhà có giàn hoa hồng leo ở phía trước, chỉ có điều giờ không còn ai dám lai vãng nữa. Tôi đã cố tình đạp xe qua nhiều lần, nhất là vào những đêm rằm trăng sáng, nhưng chẳng hề thấy vong hồn của bố mẹ tôi như người ta đã đồn thổi. Cả mười lần đều không thấy cả mười, lâu dần tôi thất vọng, không còn muốn đứng ngoài cửa ngóng đợi bố mẹ hiện về nữa. Mỗi lần như thế, bà nội tôi đều biết cả. Cho đến một ngày nọ….