Sách này có 2 phần, phần đầu là tiếng Pháp và thơ. Phần sau là Hán Nôm và chữ quốc ngữ nhưng bắt đầu từ trang cuối của sách, kiểu lật sách từ trái sang phải của người Hoa. Tuy nhiên, trong bản ebook này thì hai phần tiếp nối nhau bình thường chứ không theo kiểu lật ngược của sách, và 2 phần cũng được đánh số trang giống như trong sách giấy để bạn đọc tiện đối chiếu.
***
Trương Minh Ký (1855-1900), hiệu Thế Tải, Mai Nham, là một nhà giáo, báo, nhà văn hóa Việt Nam. Ông thông Hán và giỏi Pháp văn, làm thông ngôn cho nhà cầm quyền Pháp, cộng tác với Trương Vĩnh Ký (cũng là học trò của Trương Vĩnh Ký) trên tờ Gia Định báo, Thông Loại Khóa Trình cũng như viết sách dạy Pháp văn.
“Nhà giáo, nhà văn, còn có tên là Trương Minh Ngôn, tự là Thế Tài, hiệu là Mai Nham, quê làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 5, TP. Hồ Chí Minh), con ông Trương Minh Cẩn và bà Phạm Thị Nguyệt.
Thuở nhỏ ông là môn sinh của Trương Vĩnh Ký, khoảng năm 1870-1872 ông cùng Diệp Văn Cương, Nguyễn Trọng Quản là những người Việt Nam đầu tiên được đi du học ở Lycée d'Alger (Bắc Phi) của Pháp, tốt nghiệp về nước ông dạy tại các trường Chasseloup Laubat, trường Thông ngôn và trường Sĩ hoạn tại Sài Gòn. Trong thời gian này ông là cộng tác viên thường trực của Trương Vĩnh Kí cho tờ Gia Định báo. Sau đó ông làm chủ bút báo này từ năm 1881 đến 1897.
Năm 1889 ông là nhân viên trong phái đoàn của triều đình Huế (chức thông ngôn) đi dự hội chợ đấu xảo tại Paris, sau khi về nước ông vẫn tiếp tục nghề dạy học và báo chí.
Ngày 11-8-1900 ông mất tại Chợ Lớn hưởng dương 45 tuổi. Trương Minh Ký là một trong những người Việt Nam sử dụng chữ Quốc ngữ sớm nhất trong việc trước tác, nghiên cứu.
***
1. Khai tông minh nghĩa chương đệ nhứt.
Đức phu tử lúc ở không,
thấy thầy Tăng tử ngồi trông, bèn rằng:
Vua xưa đức cả đạo toàn,
thuận yên thiên hạ, hòa bằng nhơn dân.
Trên không giận, dưới chẳng hờn.
Vì sao ngươi biết được mần rứa chăng?
Thầy Tăng lánh chiếu thưa rằng:
Sâm không được sáng, biết bàn mần răng.—
Đức phu tử mới nói rằng:
Vã chăng hiếu nọ gốc đàng đức kia.
Dạy người lấy đấy làm bia;
lại ngồi ta bảo, chớ lìa chiếu ra:
Cả mình vóc, tới tóc da,
chịu chưng cha mẹ sanh ta vẹn tuyền
Chẳng cho hư hại gây nên,
là đầu lòng thảo kẻ hiền sự thân.
Mình nên, đạo dạy xa gần,
danh thơm tiếng tốt đồn dần đời sau.
Vinh cha hiển mẹ dài lâu,
ấy là lòng thảo đuôi đầu trọn nên.
Vã chăng lòng thảo con hiền,
trước thờ cha mẹ, giữa đền ơn vua.
Sau thì công nghiệp gắn đua,
thân danh đôi chữ ấy tua lập thành.
Câu thi Đại nhã đành rành:
Tổ tiên ngươi nhớ, đức lành người ghi.