Nguồn gốc Bách Gia Chư Tử
Ở nước Trung Hoa, từ thời Chu, Tần, (trước Chúa giáng sinh) có rất nhiều học giả ra đời, mỗi nhà đều có viết sách, trình bày học thuyết của mình, với mục đích sửa đổi chế độ, mong đem lại hạnh phúc ấm no cho con người.
Số học giả ấy không phải chỉ một vài người, và số tác phẩm viết ra không phải chỉ một vài cuốn, cho nên mới gọi là Bách Gia Chư Tử, hay gọi một cách giản dị hơn là Chư Tử.
Người xưa cũng gọi Chư Tử là các tác phẩm của những nhà học giả ấy viết ra. Danh từ này được thấy dùng đầu tiên trong pho sách Thất lược.
Dưới thời Tây Hán (206 trước T.L.) vua Thành Đế sai Lưu Hướng làm chức Hiệu Trung bí thơ, Lưu Hướng lo hiệu đính các loại sách Kinh, Truyện, Chư Tử, Thi Phú; quan Bộ binh Hiệu úy Nhiệm Hoằng hiệu đính các sách Binh thơ; quan Thái Sử Lịnh Doãn Hàm hiệu đính các sách Số thuật, quan Ngự y Lý Trụ Quốc hiệu đính các sách Y học.
Sau khi Lưu Hướng mất, vua Ai đế sai con Lưu Hướng là Lưu Hàm, lo hoàn thành công việc của cha còn bỏ dở.
Lưu Hàm liền tổng kết hết các loại sách làm pho Thất lược, gồm có Tập lược, Lục Nghệ lược, Chư Tử lược, Thi phí lược, Binh thơ lược, Số thuật lược, Phương Kỷ lược (sách về Y học).
Pho Tập lược là pho Tổng mục về tất cả các pho sách khác, còn lại 6 pho lược sau, thì chia cổ thơ ra làm 6 loại như đã kể.
Như thế thì Thất lược là một pho Cổ thơ của Trung quốc, gom góp tất cả các loại sách lại, phân chia ra thành từng loại, mà Chư Tử là một loại trong pho sách ấy.
Nguyên bản của pho Thất lược đã thất lạc, đến đời Đông Hán (25-214 T.L.) Ban Cố mới cố gắng gom góp lại những điểm trọng yếu để viết thành pho Hán thư Nghệ văn chí, nhờ đó mà mới có thể biết qua đại khái pho Thất lược như thế nào.
Kể từ đó trở đi, dưới thời nhà Tống (420-477 T.L.) có pho Thất chí của Vương Kiệm, bên trong có phần Chư Tử chí, rồi dưới thời nhà Lương (502-555 T.L.) có pho Thất Lục của Nguyễn Hiến Tự, bên trong có phần Tử Binh Lục, tức hợp Chư Tử và Binh thơ lại làm một.
Pho Kinh tịch chí dưới thời nhà Tuỳ (589-614 T.L.) và pho Tứ Khố toàn thư dưới thời nhà Thanh (1667-1911 T.L.) cũng đều có riêng một phần về Chư Tử.
Truy nguyên các sách kể trên đều bắt nguồn từ pho Thất lược, cho nên Chư Tử là tên gọi một loại sách Cổ thơ bắt đầu từ pho Thất lược.
Ông Nhiệm Hoằng, với chức Bộ Binh Hiệu Úy, sở trường về quân sự, cho nên hiệäu đính Binh thơ, Doãn Hàm với chức Thái Sử Lịnh, thì hiệu đính sách Số thuật, Lý Trụ Quốc là Ngự Y thì hiệu đính sách Y học.
Trong 3 loại sách này, đều có người chuyên môn hiệu đính, như thế là hợp lý, vì tính chất của mọi loại sách đều khác biệt nhau, và cũng vì thế mà phải phân ra từng loại riêng biệt.
Về các loại sách Lục Nghệ, Chư Tử, Thi Phú, đều do Lưu Hướng hiệu đính. Các loại sách này phải phân loại là vì tính chất và thể tài của mỗi loại cũng đều khác nhau.
Thi Phú khác với Lục Nghệ và Chư Tử, điều này rất dễ thấy, còn Lục Nghệ và Chư Tử sở dĩ phải phân làm 2 loại, chẳng những là vì Hán Nho tôn trọng loại sách kinh điển, mà cũng vì tích chất và thể tài của hai loại sách này cũng đều khác nhau.