Sau nền văn minh cổ đại, châu Âu bị giai cấp phong kiến dìm vào đêm, dài trung cổ suốt mười lăm thế kỷ. Nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học kỹ thuật đã bị kìm hãm.
Phát minh ra nghề in, việc dùng chữ đúc kim loại của người Đức Giô-han Quy-ten-béc năm 1455 khiến tư tưởng và tri thức được truyền bá nhanh chóng, rộng rãi; sự phát hiện ra châu Mỹ của nhà hàng hải Cri-xtốp Cô-lông năm 1490 đã mở rộng sự hiểu biết của con người, đã đánh thắng nhiều quan niệm lạc hậu. Hai sự kiện này có thể xem là một cái mốc nổi bật đánh dấu chuyển biến nhiều mặt trong đó có khoa học kỹ thuật ở châu Âu. Cả một châu lục từ thời trung cổ bước sang thời đại phục hưng. Từ đây, châu Âu ở vào một giai đoạn sôi nổi với những phát minh có tầm quan trọng đặc biệt dẫn đến sự chuyển mình lớn trong cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất (còn gọi là cách mạng công nghiệp thế kỷ XVIII). Cuộc cách mạng này bắt đầu từ Anh và cũng sôi sục nhất ở nước này.
Để rút ngắn thời gian nghiên cứu và có thể nhanh chóng bắt tay vào sản xuất hàng loạt những mặt hàng quan trọng hòng tranh giành quyền lợi, bọn gián điệp khoa học kỹ thuật và kinh tế đã không ngừng hoạt động với bất kỳ một thủ đoạn nào đã mua bán hoặc đánh cắp những bí mật của nhau đồng thời ra sức tìm mọi cách giấu kín bí mật của mình. Hành động của chúng đã dẫn đến không biết bao nhiêu bi kịch cho những tài năng, những nhà khoa học chân chính, yêu nước và người dân lương thiện.
Cách mạng tháng Mười Nga thành công chẳng những phá vỡ một mắt xích quan trọng trong hệ thống đế quốc mà còn đập tan giấc mộng làm giàu của nhiều tên tư bản nước ngoài, song âm mưu kiếm lời và nhòm ngó tài nguyên đất nước Xô viết của chúng vẫn không giảm. Với lòng yêu nước nồng nàn và ý thức độc lập tự chủ, với tinh thần cảnh giác cao độ, nhân dân và các cán bộ khoa học Liên Xô đã bẻ gẫy mọi ý đồ đen tối của chúng.
Nhân dân Liên Xô là những người đổ máu nhiều nhất trong Đại chiến thế giới lần thứ hai và chính họ đã góp phần lớn vào việc đánh bại chủ nghĩa phát xít nhưng lợi dụng sự thất bại của nước Đức Hít-le, bọn gián điệp Anh, nhất là Mỹ đã giành giật những bí mật quân sự của Đức và bắt đi nhiều nhà bác học Đức mang về nước mình để khai thác chất xám của họ phục vụ mục đích chiến tranh chống nhân loại của chúng. Chúng không từ một thủ đoạn dã man nào để đạt được ý đồ này nhằm rút ngắn thời gian chế tạo và hoàn chỉnh những vũ khí quân sự hiện đại hòng chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa mà sau Đại chiến lần thứ hai, thực sự đã thành một hệ thống ngày càng lớn mạnh.
Với bảy truyện ngắn sinh động, Bí mật tàu ngầm Éc-sơ-plô-ra đã đề cập đến một số sự kiện có thật xảy ra trong thời gian dài ở châu Âu suốt từ thế kỷ XVI đến năm 1945. Vượt khỏi nội dung thường gặp ở một số truyện thuộc thể loại tình báo, Bí mật tàu ngầm Éc-sơ-plô-ra đã cung cấp những tri thức nhất định và giúp người đọc có thái độ đúng khi nhìn nhận cuộc sống, có hành động đúng chống lại âm mưu phá hoại nhiều mặt của kẻ thù và bảo vệ những tài sản quý giá của Tổ quốc.
Xin trân trọng giới thiệu tập truyện với bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN HẢI PHÒNG
Tập sách này gồm có:
- Người chế tạo đồ sứ
- Những chuyến ra đi của phô-lê
- Con đường “gia vị”
- Một bản thiết kế
- Vùng trời ma
- Thứ “đá không quặng”
- Bí mật tàu ngầm éc-sơ-plô-ra
***
Trung tá hải quân Anh Mắc Hin-đớc-len nổi tiếng là một người mê tàu ngầm. Những ai đến thăm Mác Hin-đớc-len tại nhà riêng ở số 3 phố Quận công Bớc-min-ham đều phải công nhận viên sĩ quan hải quân này từ bao năm nay đã thành lập được một “viện bảo tàng tàu ngầm” khá phong phú. Trước hết là mô hình tàu ngầm đầu tiên trên thế giới của nhà bác học Hà-lan Văng Đơ-rép-ben đóng xong từ năm 1620. Tàu đóng bằng gỗ, ngoài bọc da tẩm dầu để nước khỏi thấm vào trong. Muốn lặn thì mở cho nước tràn đầy mấy cái bao da ở tàu. Ngược lại muốn nổi lên, người ta bơm tống nước ở bao da ra ngoài.
Theo lời Mắc Hin-đớc-len thì đích thân ông trong một chuyến đi biển đã từng được quan sát kỹ chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới này hiện còn để ở Viện bảo tảng hàng hải Hà-lan tại thủ đô Am-xtéc-đam. Thời đó tàu ngầm làm gì đã được đặt động cơ mà nó mới chỉ được lắp mười hai mái chèo cho mười hai thủy thủ bơi tay. Cộng thêm tám hành khách nữa là tàu có thể chở được hai mươi người. Tàu có thể lặn sâu xuống nước độ bốn, năm mét và lặn lâu được vài ba giờ.
Ngay khi ra đời, “chiếc tàu lặn” này đã gây tiếng vang trong dư luận Hà-lan và các nước ở Âu châu. Người thì đồn là tàu có thì lặn sâu xuống biển và bơi nhẹ nhàng như cá. Kẻ thì phao tin là tàu có thể “xuất quỷ, nhập thần” tung hoành trên mặt biển. Tin đồn tới tai vua Giắc-cơ I. Anh hoàng bèn cùng với một số tùy tùng sang Hà-lan để dự ngày hạ thủy đầu tiên chiếc tàu lặn này. Được nom thấy tận mắt thứ “tàu tiêu khiển” này. Giắc-cơ I tỏ ra rất thú vị. Trong số những quan khách tới dự ngày hôm đó, một số sĩ quan hải quân và một số nhà quân sự khác thì lại tìm thấy ở loại “tàu tiêu khiển” này một tầm quan trọng đặc biệt trong tương lai. Với tài “ xuất quỷ nhập thần” này, nếu tàu lặn được trang bị tương đối tốt, nó có thể dễ dàng bất ngờ tấn công vào đủ các tàu đi trên mặt biển, xong rồi... lặn xuống biển trốn thoát. Và nếu như loại tàu lặn này có chở một số thủy thủ bơi lặn giỏi thì họ có thể dễ dàng bắt cóc những nhân vật quan trọng đi trên tàu biển hoặc có thể dùng bom đánh đắm tàu đối phương. Ngoài ra tàu lặn còn có thể chở được vàng bạc châu báu hoặc đồ vật hàng hóa quý giá mà bọn cướp biển chịu không hoành hành được. Ấy là không kể, gặp thời tiết xấu như bão táp, trong khi các tàu biển khác bị sóng gió đánh đắm thì loại tàu lặn vẫn có thể ung dung ngụp sâu xuống biển, đi lại được an toàn. Lúc đó, nhìn chiếc tàu lặn nhỏ xíu, gọn gàng, các nhà quân sự đã nghĩ ngay tới nhiệm vụ trinh sát của nó.