Biết ta đích thực là ai - Cuốn sách về một cấm kỵ - có lẽ là một trong những tác phẩm nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của học giả, triết gia Alan Watts. Trong đó, tác giả nghiền ngẫm về một cấm kỵ không được thừa nhận, nhưng đầy sức mạnh: sự thông đồng im lặng của chúng ta về câu hỏi ta thực sự là ai, hoặc là cái gì. Nỗ lực này là đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Nếu cảm thức của chúng ta về mình dưới dạng ngã biệt lập trong chiếc bao da là ảo tưởng, không phù hợp cả với những khám phá của khoa học phương Tây lẫn với triết giáo phương Đông, vậy thì bản tính đích thực của chúng ta là gì?
Đưa người đọc chìm đắm vào bầu không khí chiêm nghiệm triết học và tìm ra trong các triết thuyết cổ xưa những điểm nhìn cách mạng và hiện đại, Alan Watts đã trình bày con đường nhận thức mang tính tâm lý học của riêng ông về chân tướng của cái cảm thức mơ hồ gọi là tôi, - mà trên thực tế chính là cội nguồn và căn gốc của Vũ trụ.
“Cuốn sách dạy chúng ta nhìn và tôn trọng thế giới này một cách kiên nhẫn và hiểu biết.”(Chris DeLeon)
***
Alan Watts là một học giả, triết gia người Mỹ gốc Anh. Tác giả cũng là tác giả, diễn giả, một trong những người nước ngoài nổi tiếng nhất trong việc truyền bá triết lý phương Đông đến phương Tây. Alan Watts tốt nghiệp thạc sĩ ngành thần học tại Seabury-Western Theological Seminary.
Biết ta đích thực là ai là một trong những tác phẩm nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của học giả, triết gia Alan Watts.***Cuốn sách này khảo cứu một điều cấm kỵ không được thừa nhận nhưng đầy sức mạnh - việc chúng ta ngấm ngầm thông đồng để lờ đi vấn đề ta thực sự là ai, hay là cái gì. Tóm lại, thứ luận điểm coi cảm nhận phổ biến về bản thân như một bản ngã biệt lập bao kín trong chiếc túi da là một ảo tưởng, cả theo khoa học phương Tây lẫn các triết giáo thực nghiệm phương Đông - đặc biệt là triết phái Vệ Đà nguyên thủy, cội nguồn của Ấn Độ giáo. Ngộ nhận này là căn nguyên khiến con người lạm dụng công nghệ để chinh phục môi trường tự nhiên một cách tàn bạo, và rốt cuộc là hủy diệt tự nhiên.
Vì vậy chúng ta rất cần có một cảm thức về sự tồn tại của chính mình phù hợp với quy luật tự nhiên, và khắc phục được cảm giác vong thân trong vũ trụ. Để đạt mục đích này, tôi đã viện đến tri thức Vệ Đà, song trình bày theo một lối hoàn toàn hiện đại và Tây phương - nhờ vậy cuốn sách này không trở thành một giáo khoa thư hay cuốn tập vỡ lòng về triết phái Vệ Đà theo nghĩa thông thường. Đúng hơn, cuốn sách này là một cuộc hôn phối chéo giữa khoa học phương Tây và trực giác phương Đông.
Xin dành lời cảm ơn đặc biệt cho vợ tôi, Mary Jane, vì đã biên tập cẩn thận và nhận xét về bản thảo. Tôi cũng cảm ơn Quỹ Bollingen đã tài trợ cho dự án biên soạn cuốn sách này.