Ca Tụng Bóng Tối

Tác giả : Tanizaki Junichiro
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 4
  • Kích thước : 426 KB
  • Số trang : 52
  • Read on mobile :

Ca Tụng Bóng Tối - đây là một cuốn tản văn được viết bởi một trong những tiểu thuyết gia có ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản - Junichiro Tanizaki (1886 - 1965).

Tác giả bàn luận những đề tài từ kiến trúc, ngọc bích, đồ ăn, nhà vệ sinh và bằng cảm nhận tinh tế đã miêu tả lại chính xác cách sử dụng không gian trong các tòa nhà, tả lại vẻ đẹp hoàn hảo của đồ sơn mài dưới ánh nến cũng như của người phụ nữ trong bóng tối ở chốn khoái lạc.

Cuốn tản văn cũng bàn về sự đụng độ kinh điển giữa bóng tối trong nội thất Nhật Bản truyền thống và ánh sáng điện chói lòa của thời hiện đại.

***

“Ca tụng bóng tối” - Bảo vật phương Đông

Không hổ danh là tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất xứ Phù Tang chỉ sau Natsume Soseki, đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi Ca tụng bóng tối (*) của Junichiro Tanizaki xuất bản, cuốn sách tụng xưng cái đẹp cổ điển phương Đông của ông không những không mất đi giá trị, mà càng ánh lên vẻ đẹp của thứ bảo vật đã qua thử thách thời gian.

Sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp thượng tầng tại đô thành Tokyo, Junichiro Tanizaki (1886-1965) lớn lên giữa tinh hoa nghệ thuật và văn chương của thế hệ. Cùng lúc ấy, làn sóng phương Tây tràn vào Nhật Bản, mang lại một làn gió mới mẻ cho xứ sở đang khao khát vươn mình này.

Sự hòa quyện tân cổ đã biến Nhật Bản thành một con rồng hùng mạnh, mang trong mình bản sắc văn hóa độc đáo. Song không tránh khỏi việc sóng mới xô sóng cũ, những giá trị cổ điển rồi phải hao mòn đi khi những giá trị tân thời chiếm thế thượng phong.

Tanizaki - lúc đó đã là một văn sĩ ngoại tứ tuần, trước thời cuộc xoay vần cũng đau đáu những niềm ưu tư của kẻ sĩ hoài tiếc quá khứ vàng son.

Ca tụng bóng tối là tập hợp những tản văn thâm trầm mà thanh tao Tanizaki dành riêng để luận bàn về cách bóng tối ngự trị trên cái đẹp kiến trúc cổ điển của Nhật Bản, kịch Nō, đồ sơn mài, ngọc bích hay chính trong cái đẹp của người đàn bà.

Một cuốn sách mỏng mang theo thứ giọng văn chìm lắng, mê hồn - bản thân cấu trúc cuốn sách đã gợi về những nét kiến tạo của một ngôi đền phương Đông với phần mái vòm nặng trĩu cất giấu thứ bóng tối huyền bí bên trong.

Bắt đầu từ những luận đàm về nhà vệ sinh cổ, Tanizaki bằng con mắt anh tường hơn người và tài văn tao nhã, dẫn dắt độc giả tới những mảng tối trong nội thất căn nhà, quán xá hay đền đài của Nhật Bản.

Thứ bóng tối vốn dĩ bị ghẻ lạnh ở phương Tây lại là nàng thơ trong nhãn quan phương Đông. Bóng tối ấy phủ những nét mờ ảo, mềm mại lên ngọc ngà, giấy bút, trau chuốt đường nét của làn da vàng và mái tóc đen. Cổ nhân phương Đông không xua đuổi bóng tối như kẻ thù truyền kiếp, mà vui lòng đón nó vào không gian, áo quần của mình.

Đường nét tinh tế của cái đẹp chỉ hiển lộ nhất dưới tấm áo choàng của bóng tối, như những nét văn hoa óng ả của bộ đồ ăn sơn mài nơi bàn tiệc, hay sợi vàng sợi bạc đan cài phủ lên vai người đạo sĩ chốn thâm nghiêm.

Bóng tối là nơi cái bất toàn và vô thường ngự trị. Ấy cũng chính là quan điểm mỹ học thiền nổi bật của văn hóa Nhật Bản. Trong bóng tối ấy, những thức xúp đen như bùn hóa thành thứ mỹ vị ấm áp, một miếng mứt mỏng nhẹ, một hạt gạo nhỏ nhoi hóa thứ ngọc quý.

Trong bóng tối ấy, những người đàn bà của ngôi nhà khoái lạc trở nên trắng hơn tuyết, quyến rũ hơn mây mù ma mị, và cuối cùng phải chăng từ chính những nếp áo, những chỗ trũng trên cơ thể họ, bóng tối đã lại từ đó mà sinh ra?

Khi ánh sáng và hơi nóng - phần dương quá thắng thế thì con người ắt sẽ suy yếu đi, cả về thể chất và tinh thần. Chính khi ấy người ta mới thấu thị minh triết phương Đông trong phần âm của bóng tối và hơi lạnh. “Sự tao nhã thì lạnh lẽo”. Thế nhưng nếu vắng bóng sự tao nhã ấy, thế giới hẳn thô thiển và xấu xí đi vài phần.

Nói về bóng tối cũng là cách Tanizaki nói về lối sống chậm rãi, thưởng thức cuộc đời và thiên nhiên, chiêm ngưỡng những điều tuyệt diệu vi tế từ món ăn đơn sơ đến thứ đồ dùng cũ kỹ. Đó phải chăng cũng chính là điều mà phương Tây hiện đại đang đưa tay ra kiếm tìm trong thời đại công nghệ tất bật này?

Ca tụng bóng tối đã khiến giới học thuật và độc giả bình dân Âu - Mỹ trầm trồ, nay lại có cơ hội cho mảnh đất phương Đông như Việt Nam ngẫm lại mình. Tanizaki đã thành công hơn cả điều ông muốn: “Tôi sẽ giữ lại ít ra trong văn chương cái thế giới của bóng tối mà chúng ta đang đánh mất”.

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được giới thiệu tới độc giả Anh ngữ bởi một kiến trúc sư, rồi may mắn đến với độc giả Việt ngữ nhờ một kiến trúc sư khác. Charles Moore - kiến trúc sư danh tiếng người Mỹ - đã viết lời bạt cho bản in tiếng Anh đầu tiên, để rồi 80 năm sau kiến trúc sư Trịnh Thùy Dương lại đưa cuốn sách về Việt Nam với bản dịch của mình. (*): Ca tụng bóng tối, Junichiro Tanizaki. Dịch giả: Trịnh Thùy Dương, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM, 2014.

***

Lời người dịch

Trong thời gian học kiến trúc và thiết kế nội thất Úc, rất nhiều lần trong các bài giảng, tôi nghe các giáo sư trích dẫn ví dụ từ cuốn Ca tụng bóng tối của tác giả Junichiro Tanizaki. Ngay sau lần đầu đọc cuốn sách này, tôi (ND) đã bị thu hút và lôi cuốn bởi chủ đề “ca ngợi bóng tối”, sau đó là bị chinh phục rồi ngưỡng mộ và say mê bởi những điều lĩnh hội được từ cuốn sách. Vì nhận ra tầm quan trọng của cuốn sách trong việc giáo dục tư duy nghệ thuật không chỉ riêng cho ngành kiến trúc, tôi mong muốn dịch và giới thiệu cuốn sách này cho bạn đọc, nhất là các sinh viên trong ngành kiến trúc, thiết kế ở Việt Nam. Cuốn sách này đã từng gây rất nhiều tiếng vang tại Nhật Bản sau khi ra đời, được dịch và giới thiệu tại Anh năm 1977, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của giới học giả và nhiều lời khen ngợi có cánh từ báo chí, là một trong những cuốn sách bán chạy nhất (best seller) trong nhiều năm châu Âu và châu Mỹ, đồng thời luôn nằm trong danh sách những sách cần tham khảo cho các sinh viên kiến trúc tại các đại học phương Tây, hay cho những nhà thiết kế ánh sáng, lí luận mỹ thuật nói chung.

Ca tụng bóng tối là một cuốn sách nhỏ thấm đẫm chất thơ với chất liệu, hình ảnh và cảm xúc rút ra từ quá khứ của Nhật Bản. Xuất bản lần đầu tiên năm 1933 bởi văn sĩ Junichiro Tanizaki, người từng nhận được giải thưởng cao quí Asahi và huân chương Văn hóa của chính phủ Nhật năm 1949. Cuốn sách liệt kê lại những thời điểm mà thời cuộc, văn hóa và tiêu chuẩn thẩm mỹ giao thoa để tạo nên kiến trúc và thiết kế Nhật Bản. Tác giả Tanizaki là một người hoài cổ, đi tìm, chắt lọc và gìn giữ những giá trị cổ truyền của dân tộc Nhật Bản. Ông trìu mến nhắc đến vẻ đẹp, chiều sâu, sức cộng hưởng của bóng tối, nhất là cách các nghệ nhân Nhật đã tạo ra các vật thể ít phản chiếu ánh sáng để hòa hợp tốt hơn trong bóng tối. Ông cho rằng ánh sáng rực rỡ đã làm mất đi vẻ đẹp tinh tế của thiết kế Nhật - từ bát xúp miso bằng sơn mài đến cửa trượt dán giấy. Ánh sáng đèn điện chói lòa, theo ông, đã cướp đi của người Nhật vẻ đẹp của bóng tối, vẻ huyền bí thăm thẳm của bóng đêm với những vệt bóng đổ gợi nhiều liên tưởng, và sự trầm lặng của thời gian. Niềm yêu thích với tự nhiên và tìm hứng thú trong những đồ vật bình thường của Tanizaki đem đến một cái nhìn đối lập hoàn toàn với sự yêu thích tính khả dụng, chế tạo hàng loạt, giá thành hạ, chú trọng tính bắt mắt trong đời sống hiện đại của văn minh phương Tây.

Về mặt thẩm mỹ trong thiết kế, tác giả đã đem đến cho độc giả một cách nhìn mới lạ với một vấn đề cũ: đó là sự hài hòa sáng tối trong một tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay khắp nơi trên thế giới này người ta đang cố xua đi, đẩy lùi bóng tối (cả nghĩa bóng và nghĩa đen), không chỉ ở những vùng sâu vùng xa, mà ngay cả các đô thị hiện đại. Các chuyên gia, các nhà kỹ thuật và các kiến trúc sư đang ra sức, cố gắng để mọi xó xỉnh nơi chúng ta ở đều có thể được chiếu rọi bởi các nguồn sáng với công suất ngày càng lớn. Ánh sáng và bóng tối vốn dĩ đối lập nhau, xung khắc và hình như đối chọi nhau “một mất một còn”, trong đó ánh sáng thường đồng nghĩa với những điều tốt đẹp và vì thế, được nền văn minh hiện đại ưu ái hơn. Nhưng tác giả Tanizaki đã phân tích và dẫn giải cho chúng ta thấy rằng đó chỉ là cái nhìn phiến diện, hời hợt, là cách nghĩ nông cạn. Ánh sáng và bóng tối tuy trái ngược nhau, nhưng lại hỗ trợ nhau, kề cận nhau, thống nhất tồn tại không thể thiếu nhau như tay trái và tay mặt, mặt trước và mặt sau, phần bên phải và phần bên trái của cùng một cơ thể. Vẻ đẹp của bóng tối cũng quan trọng và xứng đáng được ca ngợi, trân trọng. Tôi nhớ những bức tranh, ảnh mô tả cảnh bình minh khi mặt trời đang mọc, hay cảnh chiều tà buổi hoàng hôn, đem lại ấn tượng thị giác cho người xem vì sự kết hợp khéo léo tài tình của ánh sáng và bóng tối, với phần lớn cảnh chìm trong bóng tối và một vài điểm nhấn sáng. Các bức chân dung cũng vậy, nghệ sĩ phải kết hợp tài tình giữa sáng và bóng mới làm bật được nhân vật định miêu tả. Đơn giản thì có thể cho rằng, đại diện cho ánh sáng là mặt trời, cho bóng tối là màn đêm. Thời gian trong ngày một nửa là trong ánh sáng, một nửa là trong bóng tối. Trong góc độ thiết kế, nếu chúng ta đã thắp sáng ban đêm thì cũng phải điều chỉnh để lực thắp sáng chỉ vừa phải, đồng thời ban ngày cũng nên chú ý gia giảm độ sáng ở một số không gian. Xa hơn, có thể nghĩ tới việc tích trữ ánh sáng ban ngày (ví dụ dùng pin mặt trời) để sử dụng năng lượng này vào ban đêm. Không nên hướng đến thiết kế chiếu sáng toàn bộ, mọi lúc, mọi nơi vì vừa lãng phí, vừa gây mệt mỏi thị giác cho người sử dụng và không đạt được vẻ đẹp hài hòa.

Ngày nay, những cuộc vận động “giờ trái đất” tắt điện không phải chỉ để vận động tiết kiệm năng lượng. Nó còn giúp nhân loại nhớ tới trăng sao, ban đêm, giúp ta gần trở lại với thiên nhiên, vận động tất cả giác quan để cảm nhận thế giới chứ không chỉ dựa vào thị giác.

Về mặt xã hội, qua cuốn sách, ta thấy ở đây một nền văn hóa nâng niu và ra sức tìm kiếm cái đẹp ở mọi thứ xung quanh mình: từ những đồ vật thông dụng cho đến vẻ đẹp con người, của cả nam lẫn nữ. Đơn cử một ví dụ, xếp giấy được du nhập vào Nhật Bản và đã được phát triển lên thành một nghệ thuật độc đáo, giàu tính tạo hình và nghệ thuật. Cuốn sách này đã thể hiện tư duy của một dân tộc biết nhận biết và say đắm trước mọi vẻ đẹp, khát khao cảm nhận và đẩy mọi việc bình thường lên thành nghệ thuật.

Bản sắc của một dân tộc là bao gồm những tinh hoa, sáng tạo của dân tộc đó trong mọi lĩnh vực: ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, các công cụ sử dụng trong đời sống... Sáng tạo bắt nguồn từ con người, từ những nhu cầu phải tạo ra của cải vật chất mới để thỏa mãn, đáp ứng được những nhu cầu nảy sinh trong cuộc sống. Thiết kế đi đôi với sáng tạo, nó là phần tinh hoa chắt lọc của ý tưởng. Muốn thiết kế hay, trước tiên phải biết nhìn ra vẻ đẹp, rồi mới học đến các nguyên tắc để tối ưu hóa vẻ đẹp đó, trong bất cứ một ngành nghề nào cần đến sáng tạo. Những công cụ lao động, giao tiếp, vận chuyển mới của con người đều sẽ ảnh hưởng mật thiết đến quá trình tư duy, suy nghĩ, hành xử. Từ việc sử dụng một sản phẩm tiên tiến của thời đại do người nước ngoài chế tạo ra đến việc phải thay đổi thói quen sinh hoạt, đến thay đổi các giá trị cổ truyền và dẫn đến việc tôn vinh các giá trị của một dân tộc khác, rồi quay lưng lại với những điều đã tạo nên bản sắc dân tộc chỉ là một vài bước ngắn. Khi tiếp thu những tiến bộ của nước ngoài, chúng ta cần chú trọng đến việc bảo tồn những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc và dung hòa lối sống hiện đại với tập quán xưa. Có thể ví von như với một người đã quen sống trong bóng tối, cần có thời gian thích hợp để từng bước tiếp nhận ánh sáng bên ngoài, việc đột ngột bước ra ánh sáng rực rỡ thậm chí sẽ mang lại hậu quả xấu. Ở đây là đối với những giá trị văn hóa hình thành sau nhiều thế kỉ, giá trị cốt lõi này là những gì căn bản nhất để định hình và gắn bó những cá nhân trong một dân tộc lại với nhau.

Trong cuốn sách nhỏ của mình, Tanizaki đã lựa chọn và ca ngợi những điều ít ai để ý tới thuộc đủ mọi sắc thái, những điều hay ẩn mình trong bóng tối và bị thời gian phủ che: ví dụ như những thớ gân trên một thanh gỗ, tiếng mưa trên mái nhà và trên lá, tiếng mưa thấm xuống mặt đất sau khi nó dội vào lớp đế của cây đèn đá và làm tươi mới lớp rêu. Tanizaki giúp người đọc nhận ra rằng một thái độ trân trọng thiên nhiên, văn hóa truyền thống, luôn quan sát tìm tòi mọi vẻ đẹp, nhất là những vẻ đẹp thầm lặng, là cách chúng ta sống hài hòa với thế giới này. Cuốn sách cũng kín đáo gửi gắm ước vọng về một xã hội Nhật Bản phát triển mà vẫn duy trì, bảo tồn được các giá trị thẩm mỹ truyền thống. Thời điểm xuất bản cuốn sách này ở Nhật là năm 1933, đến năm 2009 khi lần đầu tiên đến Nhật, tôi nhìn thấy ở đây một xã hội giàu bản sắc dân tộc, những nét riêng của Nhật Bản được khắc họa đậm nét ở mọi khía cạnh trong đời sống hàng ngày cũng như trong các tạo hình không gian kiến trúc, nội thất. Những thành tựu về khoa học kĩ thuật của phương Tây, khi du nhập vào Nhật, đều được cải biến và sáng tạo thêm để phù hợp với bản sắc riêng của Nhật Bản, đồng thời chỉ đóng vai trò làm nền cho văn hóa. Ánh sáng trong các nhà hàng, khách sạn đều được điều chỉnh vừa phải, với nhiều khoảng tối rất dễ chịu. Các nhà hàng bán xúp miso đựng trong bát gỗ sơn mài đen truyền thống chứ không dùng bát sứ. Tôi tin rằng những điều Tanizaki lo ngại đã đóng góp lớn vào việc thức tỉnh các nhà thiết kế Nhật từ những năm 30 của thế kỉ trước, dẫn đến một xã hội Nhật trong thế kỉ 21 hiện đại mà vẫn bảo tồn được tính truyền thống. Đây là những điều mà tôi nghĩ, chúng ta cũng cần phải học tập và lưu ý.

Đọc cuốn sách nhỏ này, độc giả sẽ thấy ở đây một quan niệm kiến trúc “cổ xưa mà hiện đại”, cũ mà mới, và hiện nay vẫn rất được quan tâm và đề cao ở các nước tiên tiến. Cuốn sách cũng sẽ hữu ích và lý thú đối với các bạn đọc không phải chuyên ngành kiến trúc.

Xin trân trọng giới thiệu