Chiếc Bản Lề Cong

Tác giả : John Dickson Carr
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 48
  • Kích thước : 673 KB
  • Số trang : 238
  • Số lượt tải : 4
  • Read on mobile :

Nếu Người rỗng khiến óc suy luận của người đọc bị những nút thắt lắt léo gút chặt từng hồi thì Chiếc bản lề cong lại mở ra một vụ án mạng li kì phảng phất nét huyền bí. Ngày nọ, tại một điền trang yên bình do tòng nam tước John Farnleigh làm chủ, khách lạ bỗng xuất hiện tự xưng là John Farnleigh thật, tố cáo trang chủ mạo danh. Khi thật giả chưa phân thì một trong hai người chết một cách bí hiểm. Bốn bề không người nhưng trên cổ nạn nhân lại in hằn ba nhát dao đoạt mạng, cái chết kì lạ này dấy lên nhiều nghi hoặc cho các nhà điều tra. Ngoài yếu tố trinh thám, cốt truyện còn đan xen những tình tiết kì bí như người máy cổ biết cử động, tín đồ Quỷ Đạo đi dự hội lúc nửa đêm… khiến những người duy lý nhất trong một thoáng giây nào đó cũng phải chùng lòng. Trong vụ án này ai chân ai giả? Liệu có tồn tại một kẻ giết người hay phải quy tội ác vào phạm trù siêu nhiên? Khúc mắc chất chồng dẫn dắt độc giả đến với những thủ pháp bất ngờ và suy luận tài tình. Không những thế, thành công của Chiếc bản lề cong còn đến từ tính song hành của quá khứ và thực tại, của tội lỗi và lương tri bao trùm tác phẩm.***

“Đã là bí mật thì phải càng ít người biết càng tốt. Nếu có sẻ chia, thì chỉ nên sẽ chia trong phạm vi rất nhỏ mà thôi. Đông đến chục người không khỏi mất đi thú vị”

Tôi đã quyết định biên một bài riêng cho cuốn này của John Dickson Carr, bởi lẽ sự thất vọng quá lớn với phần biên dịch của cuốn này. Dẫu biết, để in ra một cuốn sách là công sức của rất nhiều, mỗi lời chê bai đều phải cẩn thận vì có thể mình đã không hiểu hết lý do họ biên dịch như thế. Nhưng với tư cách là độc giả, chỉ là độc giả đơn thuần thì tôi nghĩ những điều tôi chê ở đây không phải không nên.

John Dickson Carr là ông hoàng mật thất, truyện của ông thường đặt ra những vụ án mà nếu nhìn qua đều là không thể thực hiện được. Chiếc bản lề cong bắt nguồn với câu chuyện của John Farnleigh, tòng nam tước và là chủ một điền trang yên bình. Một ngày nọ, người khách lạ bỗng dưng xuất hiện và tố cáo trang chủ hiện tại là người mạo danh. Khi tất cả đang nằm trong vòng nghi vấn thì một vụ án mạng xảy ra. Và dĩ nhiên, theo phong cách của John Dickson Carr, nơi án mạng xảy ra lại là nơi không thể có cách nghĩ nào ngoài cho rằng nạn nhân tự gây ra. Thế nhưng tất cả nhân chứng không nghĩ ra được tại sao nạn nhân lại chọn phương án đó, trong khi chỉ còn chưa đến 30 phút nữa là sự thật sẽ được sáng tỏ. Trong quá trình giải mã vụ án, những bí ẩn khác như Quỷ đạo, con người máy, những cái chết bí ẩn trước đó lại có liên quan mật thiết đến điền trang với vẻ bề ngoài bình yên đấy.

Đây là một cuốn truyện với nội dung rất hay, xứng đáng là cuốn trinh thám của năm. Quả thực nếu không vì những câu dịch ngô nghê theo kiểu “after garden là sau vườn”, những đoạn văn dịch khô khan, và lối sử dụng ngôn ngữ không phù hợp khiến dù không muốn tôi vẫn phải nói đây là bản dịch rất tệ.

Thứ nhất, tôi không khó chịu gì việc dùng những ngôn từ địa phương trong các bản dịch. Nhưng nó phải phù hợp. Cuốn Chiếc bản lề cong là 1 trong 3 cuốn thuộc series về Tiến sĩ Fell mà Đông A chọn dịch lần này. Trong khi 2 cuốn kia, không hề có 1 tiếng lóng nào, nhưng ở Chiếc bản lề cong, những từ như: hỉ, chi…xuất hiện quá nhiều, trong những đoạn hội thoại của các nhân vật. Điều này trái ngược hoàn toàn với phong cách của Tiến sĩ Fell ở trong Người rỗng và Vụ án viên nhộng xanh.

Thứ hai, việc một cuốn sách sử dụng Ổng - ảnh khiến tôi khá khó chịu. Nên nhớ, với tiếng Anh chúng ta chỉ dùng 2 ngôi trong xưng hộ You - I. Việc dịch như nào là do dịch giả, và lạm dụng ngôn ngữ nói - thay vì ngôn ngữ viết khiến tôi cảm giác đang đọc một bản dịch từ Google Translate, tôi không thấy được sự nhiệt tình, cũng như sự tận tâm trong việc xuất bản một cuốn sách, đặc biệt lại là một cuốn trinh thám nổi tiếng của John Dickson Carr.

Thứ ba, những đoạn văn được dịch càng làm tôi thấy người dịch không chỉn chu. Như “trên đường, ánh nắng chiếu lung linh trên rừng kính máy ảnh. Bên cạnh đàn ông, không thiếu những đàn bà.” “Giữa hàng lố đàn ông, Madeline quả là của hiếm, đem đến luồng gió thanh tân” “Trưa hôm sau, khi mưa ấm áp rơi, và mây đen phủ kín bầu trời thôn dã….Ngồi ghế dựa, ông thở nhẹ phì phò…” Tôi không hình dung nổi tại sao 1 cuốn sách lại có thể dùng những từ như lố đàn ông, của hiếm, mưa ấm áp, rồi đã thở nhẹ thì sao còn phì phò, với tôi…đây là lỗi ngữ pháp, và nó càng thể hiện việc thiếu trách nhiệm trong công việc.

Tôi từng thấy thất vọng về những bản dịch sách của Simenon, tôi cũng từng thất vọng khi đọc Bắt trẻ đồng xanh. Nhưng đây là lần tôi bức bối nhất, tôi cảm thấy không chỉ là thất vọng mà chán chường. Một cuốn sách được làm ra, lẽ độc giả sẽ thấy hạnh phúc khi cầm trong tay, và được đắm chìm trong một cuốn sách hay thì sẽ thấy đời đẹp biết mấy. Thế nhưng khi cuốn sách hay được biên dịch không cẩn thận, tôi thấy…trong cuộc sống này, chẳng nhẽ lúc nào cũng tồn tại những điều đáng buồn đến thế chăng:”<

Twine Aquarius