Terri kể, gã đàn ông sống chung với nàng trước khi nàng đến với Mel đã yêu nàng rất nhiều, nhiều đến độ hắn muốn giết nàng. “Có một đêm hắn đánh đập tôi. Hắn nắm cổ chân tôi, lôi tôi vòng quanh phòng khách. Đầu tôi va vào hết cái này đến cái kia.” Terri nhìn chung quanh bàn. “Bạn làm gì với cái tình yêu như thế chứ?”
Nàng thuộc loại phụ nữ gầy tự nhiên, mắt đen, tóc nâu dài thả phủ lưng. Nàng thích đeo chuỗi đá màu xanh turquois, và thích đeo hoa tai dài lủng lẳng.
“Trời ơi, đừng có khùng quá. Đó không phải là tình yêu, em biết dư rồi mà,” Mel nói. “Anh không biết cái đó gọi là gì, nhưng anh chắc chắn em không thể gọi đó là tình yêu.”
“Anh muốn nói gì thì nói, nhưng em biết nó là tình yêu,” Terri nói. “Với anh, điều này nghe có vẻ điên, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mỗi người mỗi khác mà, Mel. Đúng là đôi khi anh ấy làm nhiều chuyện điên rồ. Vâng. Nhưng anh ấy yêu em. Chắc là chỉ có anh ấy mới yêu cái kiểu như thế, nhưng anh ấy yêu em. Có bóng dáng tình yêu trong những hành vi điên rồ, Mel. Đừng có nói trong hành động điên rồ không có tình yêu.”
Mel thở ra. Anh nâng ly rượu và quay về hướng Laura và tôi. “Hắn đe dọa sẽ giết tôi,” Mel nói. Anh nốc nốt chỗ rượu và với lấy chai gin. “Terri là người lãng mạn. Terri thuộc nhóm người đá-em-đi-để-em-thấy-mình-được-thương-yêu. Terri, cục cưng ơi, đừng có biến sắc mặt như vậy.” Mel vói tay qua bên kia bàn vuốt má Terri. Anh nhoẻn miệng cười với nàng.
“Bây giờ anh ấy lại muốn làm lành.” Terri nói.***
Raymond Carver sinh năm 1939 ở Clatskanie, bang Oregon, Hoa Kỳ. Sau đó, ông chuyển tới Port Angeles, bang Washington và ở đây cho tới khi tạ thế vào ngày 2/8/1988.
Ông đã từng dành học bổng Guggenheim Fellow vào năm 1979 và hai lần đoạt giải thưởng của Quỹ học bổng quốc gia Hoa Kỳ cho lĩnh vực nghệ thuật.
Vào năm 1983, Carver nhận được giải thưởng uy tín "Mildred and Harold Strauss Living Award" và giải thưởng Levinson do tạp chí Poetry trao tặng vào năm 1985.
Vào năm 1988, Carver được chọn là thành viên chính thức của Viện hàn lâm nghệ thuật và văn chương Hoa kỳ, sau đó nhận được bằng tiến sĩ văn chương tại đại học Hartford.
Ông nhận được giải thưởng Brandeis Citation cho tiểu thuyết vào năm 1988. Những tác phẩm của ông được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới
“Raymond Carver chỉ sống đến tuổi 49 và để lại không hơn bốn tập truyện ngắn và một số bài thơ, song chừng nấy đã đủ để ông được tôn vinh như một bậc thầy thực sự của văn học Mỹ hiện đại…
Đọc Carver, tôi không khỏi liên tưởng tới Chekhov, một Chekhov - dĩ nhiên ở tầm khiêm tốn hơn - của nước Mỹ ngày nay. Một nước Mỹ hậu công nghiệp, một nước Mỹ ngập ngụa trong tàn bạo, nhàm chán, trong sự tầm thường đến ê chề, một nước Mỹ đã đánh mất sự ngây thơ của mình, đồng thời mất luôn cả khả năng đón nhận hạnh phúc.
Truyện ngắn của Carver tựa như những mẫu giáo khoa về phân hủy. Làm thế nào để đánh hỏng đời mình và đời người khác, làm thế nào để nảy sinh hằn thù, điên loạn và tội ác? Carver đã tạo một thế giới thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng đến độ dã man…”