Tình yêu đâu chỉ có lãng mạn, ngọt ngào, hạnh phúc..., tình yêu còn có rất nhiều rất nhiều những thử thách, đau khổ, hy sinh...
Một sự kết hợp tưởng như không thể xảy ra đã xảy ra, một giấc mơ đã trở thành hiện thực.
Chuỗi Tràng Hạt - một câu chuyện tình yêu đẹp và cảm động. Không phức tạp, ly kỳ... nhưng vẫn hấp dẫn và lôi cuốn, đơn giản chỉ là vì " Yêu và được yêu là một bản nhạc nghe mãi không bao giờ chán - Madame De Stael"... thế thôi.
***
Florence Louisa Barclay (2/12/1862 - 10/3/1921) sinh tại Florence Louisa Charlesworth in Limpsfield, Surrey, England, là nữ tiểu thuyết gia người Anh, chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết lãng mạn.
Các tác phẩm: Guy Mervyn (1891 - viết dưới bút danh Brandon Roy), The Wheels of Time (1908), The Rosary (Chuỗi tràng hạt - 1909), The Mistress of Shenstone (1910), The Following of the Star (1911), The Upas Tree (1912), The Broken Halo (1913), The Wall of Partition (1914), My Heart's Right There (1914), The White Ladies of Worcester (1917), Returned Empty (1920), Shorter Works (tuyển tập tập hợp các truyện ngắn và bài báo đơn lẻ - 1923)...
***
Cảnh bình yên trong sáng của một buổi chiều nước Anh lơ lửng trên những cánh vườn và trên công viên Overdene. Những tia nắng phản chiếu cuối cùng lúc mặt trời lặn lướt trên thảm cỏ hứa hẹn một không khí mát mẻ dễ chịu dưới bóng những cây bách hương to lớn.
Một ngôi nhà cổ, chắc chắn, đồ sộ, không trang trí, đầy tiện nghi, tuy xấu xí nhưng gỡ lại bởi những cây trường xuân và giàn nho xanh leo khắp bề mặt chiều dài của ngôi nhà, lốm đốm những nhánh hoa trắng và những chùm hoa đỏ tía vui mắt.
Một mặt bằng trải khắp chiều dài của ngôi nhà, đầu này là vườn ươm cây, đầu kia là chuồng nuôi chim. Những bậc thềm bằng đá cách đều nhau và dốc thoai thoải dẫn đến một bãi đất phẳng có thảm cỏ xanh rì và mịn màng. Phía xa là công viên rộng lớn với rừng cây cổ thụ thoáng bóng những con hươu nhút nhát và những con nai khoác bộ áo màu hung. Qua hàng cây, người ta trông thấy con sông, dải bạc hẹp của nó uốn éo một cách duyên dáng giữa những đám cỏ dài lốm đốm hoa vàng và hoa cúc.
Đồng hồ điểm bốn giờ. Tiếng chim im bặt, không còn một giọng hót nào xen vào tiếng lá rì rào. Một sự im lặng đến khó chịu. Đốm sáng độc nhất là ở một con vẹt kỳ diệu nằm ngủ trên cành cây bách hương.
Có tiếng cửa mở và trên bãi bằng xuất hiện cái bóng kỳ dị của một bà già. Bà ta đi về phía bên phải để tới vườn hồng.
Bà quận chúa Vetma đi hái hoa hồng. bà đội chiếc mũ rơm kiểu cổ có tên là “cái nấm”, buộc vào cằm bởi những dải băng đen. Bà mặc áo dài bằng loại vải mùa đông, một chiếc váy ngắn bằng len, đi đôi giày leo núi và đeo găng cũng kiểu cổ. Cánh tay bà treo một cái giỏ, trong đựng một chiếc kéo cắt cây to tướng.
Bà quận chúa sống độc thân, không thích ở với anh này, chị nọ, càng không thích những nụ cười và những lời nịnh hót của bầu bạn. Cô con gái xanh xao của bà mà bà quở trách một cách cố chấp, đã đi lấy chồng. Cậu con trai mà bà chiều chuộng đến hư hỏng đã chết sớm, chết trước bố. Chồng bà, Thomas Meldrum, quận công thứ năm, đã chết một cách đột ngột hoàn toàn phù hợp với tính nết ông, vào hôm sinh nhật lần thứ sáu mươi hai. Trong bộ quần áo hào nhoáng: áo đỏ, mũ cao, quần nhung, ông cưỡi một con ngựa cái, bắt nó phải vượt qua một chướng ngại vật quá sức nó. Con ngựa dừng lại đột ngột, ông bị hất lộn đầu xuống và không bao giờ trở dậy nữa.
Cuộc sống đang sôi nổi và ầm ỉ ấy bị ngừng đột ngột, đem đến sự thay đổi hoàn toàn trong sinh hoạt của bà quận chúa. Giờ đây bà buộc lòng phải nhân nhượng những người bạn vui vẻ, có cảm tình với ông quận công. Mặc dù bà quận chúa có cái vẻ bề ngoài của một viên kim cương còn thô sơ, dòng máu xanh nhất chảy trong mạch máu bà, và mặc dù hành vi của bà đôi khi đột ngột, bà vốn sẵn có tình cảm tế nhị, ta có thể tin được là ở chỗ nào cần nói bà đều nói lên lẽ phải…
Lúc đầu bà thích làm vườn, bà cho xây dựng một chuồng chim và thu thập đủ các loại chim và súc vật kỳ lạ, bà trút lên chúng những tình thương còn lại do không có lối thoát trong những năm gần đây.
Nhưng về sau, do bản tính hiếu khách, cái thú vui tinh nghịch mà bà vẫn thường tìm thấy ở nhược điểm của những kẻ khác, và cũng là cái tính thích được người ta khen ngợi của cải của mình, bà mời đến Overdene bao nhiêu là khách khứa. Chẳng bao lâu Overdene có tiếng là một câu lạc bộ, nơi ta có thể tìm thấy nhiều thú tiêu khiển, và chắc chắn là được gặp những người bạn mà ta mong gặp. Mùa hè ở đây ta được hưởng những ngày tuyệt diệu, và mùa đông, những tuần lễ rất vui…
Trong thâm tâm, bà quận chúa chia khách ra làm ba loại: loại hoa hòe, thông thường và chọn lọc.
Buổi chiều tháng sáu đẹp trời hôm đó đang có đợt khách “chọn lọc”. Sau một giấc ngủ trưa dài, bà quận chúa đi làm vườn và hái hoa hồng.
Khi bà mở cánh cửa hàng rào sắt để vào vườn hoa, con Tomy, tức con vẹt màu đỏ của bà, mở mắt ra và gởi tới bà chủ của nó một tiếng tặc lưỡi thay cho tiếng động của một cái hôn, xong rồi nó cất tiếng cười một mình và lại nhắm mắt ngủ. Trong số những con vật được bà ưa thích, Tomy đứng hàng đầu. Nó là đại biểu nhận được sự nhượng bộ độc nhất của bà quận chúa cho một tình cảm bệnh hoạn.
Sau khi quận công mất, bà cảm thấy mệt mỏi vì mình là mục tiêu của những sự trọng nể ngọt ngào của các bạn bè và các gia nhân trong nhà. Nếu như người quản gia đã có thể càu nhàu, hoặc ông thầy trợ tế có buột mồm nói ra một vài danh từ kém ca tụng, bà quận chúa còn thấy vui vẻ hơn. Nhưng theo cái kiểu mọi việc đã được sắp xếp sẵn, bà cảm thấy một mối ưu phiền đè nặng trong lòng, cho đến cái ngày bà đọc thấy trong một tờ quảng cáo đăng tin bán một con vẹt, sau khi chủ nhân của nó đã chết, bảo đảm nói được hơn một trăm từ.
Ngay lập tức bà quận chúa đi Luân Đôn, tìm tới người bán hàng, nghe con vẹt nói và mua luôn, mang về Overdene. Chiều hôm đó nó hờn dỗi, không chịu nói một câu nào. Cả buổi tối bà quận chúa ở ngoài chuồng chim, hết ở gần lại ra ngồi ở một góc xa khuất sau tấm bình phong, quay lưng đi, đọc sách làm ra vẻ không để ý đến nó. Tomy chỉ tặc lưỡi mỗi khi thấy bà nhô ra từ chỗ nấp. Hễ người hầu hoặc người quản gia đi qua, nó liền gởi theo một tràng tiếng hôn rồi cười lên như người nói giọng bụng. Buồn phiền, bà quận chúa thử thì thầm nhắc lại với con vẹt vài điều bà còn nhớ được lúc ở cửa hàng, nhưng Tomy chỉ nháy mắt và đặt một chân lên mỏ. Dù sao thì bộ lông hào nhoáng của con vẹt cũng làm bà thích, bà về buồng riêng và tỏ ra không hề tiếc tiền mua…
Sáng hôm sau, mọi người trong nhà đều cho rằng qua một đêm ngủ ngon, con Tomy sẽ nhớ lại những gì nó nói được. Mười phút sau tiếng kẻng, bà quận chúa đi xuống và thấy con Tomy tức giận đang vỗ cánh hét vang: “ Bà già! Bà lại đây, lại đây nào!” Sáng hôm đó bà quận chúa ăn một bữa điểm tâm ngon hơn bao giờ hết kể từ nhiều tháng nay.