N. A. BERDYAEV
TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM
N. A. Berdyaev là triết gia Nga nổi tiếng của thế kỉ XX. Ông sinh năm 1874 trong một gia đình quý tộc Nga ở Kiev. Năm 1894 ông vào học trường sĩ quan quân đội, nhưng cảm thấy môi trường không phù hợp nên đã chuyển sang học trường Đại học Kiev. Ông tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên, và năm 1898 bị bắt giam một tháng. Sau đó ông bị đi đày ở miền Bắc (1901-1902).
Thời gian 1905-1906 ông cùng với S. N. Bulgakov thành lập tạp chí Những vấn đề của cuộc sống nhằm tập hợp những trào lưu mới trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.
Năm 1920 ông được khoa Lịch sử - Ngữ văn trường Đại học Moscow bầu làm giáo sư.
Năm 1922 ông cùng nhiều trí thức và những người hoạt động văn hóa nổi tiếng khác bị trục xuất khỏi nước Nga Xô viết. Sau khi bị trục xuất ông đã ở Đức rồi định cư tại Pháp.
Ông cùng với S. L. Frank và S. N. Bulgakov là những người đặt cơ sở cho sự phục hưng nền triết học tôn giáo Nga. Ông đã xây dựng triết học về bản diện cá nhân và tự do trong tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. N. A. Berdyaev được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện sinh Pháp. Ông mất ngay tại bàn làm việc ở ngoại ô Paris năm 1948.
N. A. Berdyaev định hướng triết học của mình là triết học biện sinh cá biệt luận. Ông bàn về con người trong thế giới tinh thần của nó, xem mỗi con người là một tiểu vũ trụ với tính cá biệt. Tự đáy lòng ông tin vào tính hiện thực tiên khởi của tinh thần, hiện thực ấy được phản ánh lại thông qua các biểu tượng và kí hiệu của thế giới bên ngoài vẫn được người ta xem là hiện thực
“khách quan” của thế giới tự nhiên và lịch sử, nhưng trong quan niệm của ông đó chỉ là hiện thực thứ cấp. Ông xây dựng một khái niệm độc đáo của riêng mình để chỉ con người cá biệt trong thế giới tinh thần: “Личность”. Từ “Личность” trong tiếng Nga sử dụng thông thường có nghĩa là một nhân vật, một con người cá biệt. Tính từ phái sinh (личный) có nghĩa là thuộc về cá nhân riêng tư. Từ gốc của “Личность” là лицо, có nghĩa là gương mặt.
Triết gia N. A. Berdyaev đã dùng từ “Личность” để định nghĩa một khái niệm triết học về con người chủ thể trong hiện hữu tinh thần của mình. “Личность” là chủ thể có diện mạo riêng biệt không thể lặp lại, bao gồm cả hình hài đặc thù cho mỗi con người. Chúng tôi tạm dịch “Личность” là “bản diện cá nhân”.
Khái niệm “bản diện cá nhân” được ông triển khai chi tiết năm 1936 trong một bài báo khoa học với nhan đề vấn đề con người công bố trên tạp chí “Путь”, 1936, j50 c. 3-26. Triết học cá biệt luận về con người được ông xây dựng hoàn chỉnh trong tác phẩm Bàn về nô lệ và tự do của con người. Tác phẩm này lần đầu tiên được xuất bản ở Paris năm 1939 (YMCA-Press, s.d. [1939], 224 стр. (Клепинина N-36)), tái bản lần thứ hai năm 1972. Tác phẩm xuất hiện ở Nga năm 1995 và được in lại nhiều lần sau đó.
Tác phẩm mà các bạn đang cầm trên tay, chúng tôi dịch cả hai tác phẩm trên của N. A. Berdyaev và lấy nhan đề chung cho cuốn sách là Con người trong thế giới tinh thần.
N. A. Berdyaev, giống như I. Kant, theo nhị nguyên luận và cho rằng con người đồng thời thuộc về hai thế giới: thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên. Bản diện cá nhân có thể được hiểu như thể hiện của con người trong thế giới tinh thần. Khó khăn trong việc thấu hiểu triết học hiện sinh cá biệt luận của N. A. Berdyaev là ở chỗ chúng ta bị quy định bởi ngôn ngữ thường ngày gắn với những khái niệm quen thuộc về thế giới tự nhiên. Người ta sử dụng những khái niệm ấy để sắp xếp thế giới tự nhiên vào các ô ngăn trong một cấu trúc và gán cho chúng những ý nghĩa dựa trên các quan sát thường nghiệm của mình. Khi sử dụng ngôn ngữ ấy để xem xét bản diện cá nhân trong thế giới tinh thần, N.A. Berdyaev đưa chúng ta vào những tình huống đầy nghịch thường, ví dụ như: “Bản diện cá nhân không phải là một bộ phận và không thể là một bộ phận trong quan hệ với một cái toàn vẹn nào đó, dù đó có là cái toàn vẹn rộng lớn, toàn thể thế giới đi nữa”; hoặc là: “Xét từ quan điểm hiện sinh thì xã hội là một bộ phận của bản diện cá nhân, là phương diện xã hội của nó, cũng giống như vũ trụ là một bộ phận của bản diện cá nhân, là phương diện vũ trụ của nó”. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức được mình đang đọc tác phẩm của một người theo nhị nguyên luận, cùng đồng hành với ông đi vào thế giới tinh thần chứ không phải thế giới tự nhiên và cố gắng không “ngoại hiện hóa” những gì vốn thuộc thế giới tinh thần “bên trong” của bản diện cá nhân, rất có thể chúng ta sẽ thấu đạt được ý nghĩa định hướng tình thần nhân bản của tác giả và làm cho thế giới tinh thần của chúng ta được phong phú hơn.
N. A. Berdyaev cho rằng bản diện cá nhân là tự do và độc lập của con người trong quan hệ với thiên nhiên, với xã hội, với nhà nước, thế nhưng không những nó không phải là tự khẳng định vị kỉ, mà còn là ngược lại. Cá biệt luận dịch chuyển trọng tâm bản diện cá nhân từ giá trị của những cái chung khách quan - xã hội, dân tộc, nhà nước, tập thể - sang giá trị của bản diện cá nhân.
Tuy nhiên, cá biệt luận hiểu bản diện cá nhân trong đối lập sâu sắc với thói vị kỉ. Thói vị kỉ phá hủy bản diện cá nhân. Khép kín vào bản thân một cách vị kỉ và chăm chú vào bản thân mình, thiếu khả năng bước ra khỏi bản thân, chính là tội lỗi bẩm sinh, cản trở việc thực hiện sự đầy đủ của cuộc sống cho bản diện cá nhân, cản trở việc cập nhật hóa những sức mạnh của nó. Bản diện cá nhân bước ra khỏi bản thân đi đến với những bản diện cá nhân khác trong mối quan hệ tương-thông-cộng-đồng, nhưng không ngoại hiện hóa và khách thể hóa. Bản diện cá nhân là “tôi” và “anh/chị”, một cái “tôi” khác, một bản diện cá nhân. Kẻ vị kỉ chỉ biết cái “không phải tôi”, nhưng không biết cái “tôi” khác, hắn ta không biết tới tự do trong việc bước ra khỏi cái “tôi”.
N. A. Berdyaev cho rằng không thể có bản diện cá nhân nếu không tồn tại cái đứng cao hơn nó, nếu không có cái thế giới trên núi để bản diện cá nhân leo lên. Hiện hữu của bản diện cá nhân đòi hỏi phải có hiện hữu của các giá trị siêu cá biệt. Từ nhân học ông đi đến hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng N. A. Berdyaev bác bỏ quan niệm Thượng Đế như sức mạnh thống trị thế gian và sử dụng con người vốn là tạo vật của mình như phương tiện để tự vinh danh mình. Ông quan niệm một Thượng Đế - bản diện cá nhân mong mỏi con người - bản diện cá nhân đáp lại lời hiệu triệu của Người và Người có thể giao lưu tình yêu với nó. Thượng Đế bộc lộ bản thân mình trong thế giới tinh thần của con người, nhưng Thượng Đế không cai quản thế gian như một quân vương.
N. A. Berdyaev tự xem mình là tín đồ Kitô giáo, nhưng không ràng buộc bản thân với bất cứ giáo hội nào. Ông cho rằng cuộc sống tôn giáo bao giờ cũng là cuộc sống cá nhân riêng tư trong thâm nhập vào chiều sâu của nó. Ông viết rằng từ thời thơ ấu ông đã xác định kiểu tôn giáo của ông là tinh thần nội tâm và tự do.