Hạn Chót Lúc Bình Minh

Tác giả : Cornell Woolrich
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 52
  • Kích thước : 1.08 MB
  • Số trang : 278
  • Số lượt tải : 2
  • Read on mobile :

Nàng - một cô gái với giấc mơ tan vỡ. Chàng - một người với bản án tù đang treo lơ lửng trên đầu. Hai con người nhỏ bé, bị mắc kẹt nơi thành phố hoa lệ này. Số phận đưa đẩy họ gặp nhau. Cả hai cùng hẹn ước sẽ rời khỏi chốn đau khổ này trên chiếc xe buýt khởi hành vào lúc bình minh.

Nhưng khoảng cách ngăn giữa họ và điểm hẹn đó là một vụ án mạng bí ẩn, buộc họ phải tìm ra kẻ sát nhân trước 6 giờ sáng, trước khi hạn chót điểm.

Trích dẫn hay:

“Nó giống như một xoáy nước. Nếu anh ở yên trong tâm của nó, không tìm cách thoát ra, anh sẽ không cảm thấy gì hết. Nhưng khi anh tới quá gần rìa ngoài, cố gắng tìm một lối ra, chính lúc đó nó sẽ cuốn anh vào trong trở lại.”

“Ước thì có ích gì chứ? Bạn sẽ chẳng được gì. À, vậy thì có hại gì chứ? Bạn cũng sẽ chẳng mất gì.”

“Cuộc đời thật giống một cái bập bênh. Mỗi khi một người lên cao, một người khác ở đầu kia sẽ phải xuống thấp.”

“Mấy cái kim đồng hồ này sẽ tiếp tục chạy nhưng không phải là vì chúng ta. Chúng ta cần phải rời khỏi đây khi trời sáng.”***

Reviewer: Điền Yên - vuonbachhop.wordpress.com

Woolrich chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Mỗi lần đọc truyện của ông, tôi luôn tự hỏi tại sao trinh thám lại có thể trữ tình đến thế. Mà thậm chí còn không phải loại trinh thám kiểu yêu đương như ngôn tình trinh thám, mà là trinh thám đen - màu sắc của tác phẩm luôn u ám với bi kịch của nhân vật.

Nhân vật chính của Hạn chót lúc bình minh là hai con người cô đơn nơi phồn hoa đô hội. Cô gái - Bricky - hàng đêm lên gót về căn phòng trọ tồi tàn, mệt mỏi rã rời với mảnh vụn của giấc mơ tan vỡ. Cô vốn muốn trở thành diễn viên Broadway nhưng cuối cùng chỉ có thể bán những vũ điệu của mình giá 5 cent một bản, trong vũ trường hằng đêm. Cô vẫn gửi thư về nhà báo với mẹ rằng con ổn, công việc rất tốt, cùng vài tờ đô la “đẫm máu”. Bricky gặp Quinn khi anh ngơ ngác và lạc lối. Họ tình cờ phát hiện cả hai sống cùng một khu phố - nơi họ đã từ bỏ sau lưng. Tôi vô cùng thích trường đoạn này, khi Woolrich viết về cuộc sống tỉnh lẻ một cách đơn giản, đẹp đẽ mà đầy nuối tiếc.

Họ đã lay lắt ở thành phố quá lâu, không đủ can đảm rời bỏ nó một mình; mãi cho đến khi gặp nhau, nhưng dường như đã trễ. Quinn và Bricky vô tình bị cuốn vào một vụ án mạng. Nếu họ không kịp tìm ra thủ phạm thực sự thì sẽ không kịp chuyến xe buýt về quê - chuyến xe mà họ chờ đợi đã lâu, chuyến xe họ phải dùng hết dũng khí mới dám bước lên.

Tác phẩm này cho thấy ai cũng có thể trở thành thám tử thần sầu khi họ bị dồn vào đường cùng. Một cô gái nhảy, một anh thợ sửa ống nước (thực ra anh sửa mọi thứ) phát huy khả năng quan sát, suy luận, giao tiếp đến mức lô hỏa thuần thanh. Những chi tiết cực kỳ nhỏ mà chắc chỉ có chuyên viên khám nghiệm hiện trường mới không bỏ sót cũng được họ khai thác triệt để. Hai người lần theo dấu vết, khi tưởng như tóm được thủ phạm đến nơi thì tác giả lại twist cho một nhát quay về điểm xuất phát. Tình tiết dồn dập khi truy bắt thủ phạm lại chùng xuống như gánh nặng ngày càng đè lên vai hai nhân vật chính khiến tôi vừa thở hắt ra như thể mới đọc xong một câu chính tả dài không dấu chấm phẩy, vừa nín hơi chuẩn bị tinh thần bước vào một trường đoạn hồi hộp khác.

Đầu mỗi chương đều được minh họa bằng một cái đồng hồ, kim phút dịch chuyển ngày càng sát 6h. Cuộc chạy đua với thời gian của Quinn và Bricky có kịp cán đích đúng giờ hay không? Với trinh thám đen thì chẳng thể đoán được. Tác giả có thể cho họ HE, cũng có thể thẳng tay dồn họ vào ngõ cụt. Kết quả thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ????))

***

“Tôi không biết nữa, có lẽ bản chất của con người chỉ có thể hoặc thành thật hoặc lươn lẹo, và người ta không thể đột ngột thay đổi từ thế này sang thế kia mà không phải trải qua đau đớn chất chồng”

- Thể loại: Trinh thám đen, trinh thám cổ điển

- Chấm điểm: 8.5/10

Hóa ra không phải cứ trinh thám cổ điển là khó đọc, và không phải cứ trinh thám đen thì không phải là một truyện trinh thám đầy logic. Mình chưa bao giờ thấy thất vọng về Cornell Woolrich. Và dù lâu không đọc nhiều trinh thám nữa, nhưng Hạn chót lúc bình minh đạt độ hay cả về tình tiết, cách giải quyết, tình cảm tính logic của trinh thám, ngay cả câu từ không thể hay hơn.

Với nội dung xoay quanh Bricky và Quinn, 2 thanh niên lạc lõng giữa thành phố NewYork, không thể tình cờ hơn, lại là đồng hương, “anh chàng nhà hàng xóm” của Bricky. Họ từ bỏ quê nhà, mang theo ước mơ tìm đến cái xa hoa, những tưởng NewYork sẽ chắp cánh cho những ước mơ của họ. Nhưng “thành phố làm người ta già đi”, họ…thất bại ở NewYork, rồi họ bỗng sợ cái nhìn lạnh lẽo của thành phố này. Nửa đêm ngày hôm đó, họ gặp nhau ở vũ trường, nơi Bricky mang những bước nhảy của một giấc mơ tan vỡ tại thành phố, và Quinn - đang lo lắng với một hành động nông nổi khiến anh rơi tõm xuống vực sâu tuyệt vọng cũng do những thất bại, những ước mơ không thành ở NewYork này. Sự đồng cảm, lòng dũng cảm khi nghĩ về “quê nhà, người ta sẽ trẻ lại khi ở quê nhà” giúp họ đặt ra một lời hẹn với thời gian, lời hẹn trước lúc bình minh, để có thể làm lại tất cả ở nơi họ đã ra đi. Thế nhưng, một Bricky đã tan vỡ, đầy cảnh giác, mang nỗi sợ hãi tột cùng với thành phố này; và một Quinn với bản án lửng lơ trên đầu, một kẻ thù không rõ thông tin, những rắc rối bủa vây, những dữ kiện liều lĩnh tự quyết, liệu họ có kịp với “Hạn chót lúc bình minh” không?

Xét về tính trinh thám, Hạn chót lúc bình minh là cuốn truyện được viết với đầy đủ những yếu tố mà 1 tác phẩm trinh thám muốn thu hút đều cần. Cốt chuyện trọn vẹn từ mở đầu đến kết thúc, tình tiết đưa ra được giải quyết không xót phần nào. Dù không xây dựng nên những cảnh sát hay thần thám, Woolrich vẫn có thể đặt những con người - đã phải chịu những hoàn cảnh không bình thường, vào tình huống tột cùng bắt họ phải lựa chọn giữa sống - chết, phải vận dụng 300% năng lực, khả năng quan sát, suy luận để thoát khỏi tình huống họ đang ngày càng lún sâu vào. Những chi tiết rùng rợn khi nhân vật phải đối diện với nguy hiểm, cách xử lý từng vướng mắc, sai lầm của từng nhân vật, cách suy luận để vượt qua tình huống cũng không phải không thể - nếu 1 ngày bạn gặp phải tình huống đó. Người đọc sẽ được trải qua cảm giác hồi hộp, cảm giác như đi bên cạnh mỗi ánh nhìn, từng bước chân của nhân vật chính.

Về câu văn, không thể phủ nhận từng câu văn của Woolrich vẫn đầy hình ảnh, đầy tình như Cô dâu đen hay Ám ảnh đen, mà có khi còn hơn nhiều. Có lẽ một phần nhờ dịch giả dịch rất mượt. Có những đoạn văn thực sự chỉ cần đọc cũng đủ khiến mình hình dung cả khung cảnh lúc đó. Giả như “có những lúc cô quá mệt mỏi và kiệt quệ, thậm chí là để nói dối”, hoặc như “Lối vào căn phòng chết chóc hiện lên đen ngòm và trống rỗng phía trước trong đốm sáng run rẩy của que diêm trên tay gã đàn ông”. Mình nghĩ với những câu từ như này, quả thực nếu ai mạnh dạn chuyển thể thành phim tác phẩm này sẽ gặp cực nhiều khó khăn cả khâu lựa chọn diễn viên lẫn tạo khung cảnh, để có thể truyền tải trọn vẹn cảm giác hoang mang, bất lực từ thành phố, từ hoàn cảnh tác động đến từng milimet trên người mỗi nhân vật.

Dĩ nhiên, vì là trinh thám đen và thời gian viết cũng không phải khi đã có quá nhiều công nghệ phân tích, nên cũng có vài tình tiết các nhân vật hơi sơ hở, cũng như suy luận thiếu chính xác (nhưng nên nhớ tuyến nhân vật của Woolrich không phải thám tử hay cảnh sát, và họ gặp sai lầm là chuyện đương nhiên). Thêm vào đó, yếu tố thời gian và lời hẹn trước lúc bình minh nên cảm giác 2 nhân vật có những đoạn xử lý lại thông minh quá. Cái kết và việc tìm ra hung thủ cũng mang lại chút cảm giác như tác giả do chạy đua với thời gian và muốn một kết cục HE nên khá vội vàng (cái vội vàng cho đến tận lúc tiếng còi hụ đầu tiên của giới chức trách vang lên, cho đến tận lúc Quinn và Bricky chạy đua để hoàn thành mong ước cuối cùng, mục tiêu quyết tâm giải quyết vụ án của họ).

Còn lại thì mình hài lòng từ phông chữ trên bìa và trong truyện, hình ảnh chiếc đồng hồ ở mỗi chương, giấy in, nội dung, kết cục. Điều không thích nhất chắc là cái bìa truyện. Sao cứ phải vẽ hình ảnh nhân vật minh họa mang không có cảm giác của Mỹ gì cả! Nhìn cái bìa làm mình lần lữa mãi không đọc quyển này (hơi phí), đúng như trong truyện Woolrich viết: “Và nói cho cùng, hình ảnh của mọi người trong mắt bạn đều phải đi qua bộ lọc cá nhân, chứ không phải bản chất thực tế của họ”

Ảnh mượn từ page Phúc Minh

Twine Aquarius