Lữ Đoàn Mông Đen

Tác giả : Bình Nguyên Lộc
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 102
  • Kích thước : 1.56 MB
  • Số trang : 589
  • Số lượt tải : 6
  • Read on mobile :

Mông là bộ phận cao quý trên con người ta. Vội quá không gọi điện được cho bác Nguyễn Việt Hà xin cái định nghĩa về mông trong từ điển tiếng Việt và 103 câu trích dẫn có liên quan đến mông, phí quá:d

Đây rồi, cũng tìm được hầu các bác một bộ mông tuyệt vời, không những thế lại là mông đen nữa, quá oách, mà lại được viết ra từ ngòi bút một trong hai nhà văn được coi là miền Nam nhất của miền Nam từ sau 1945: Bình Nguyên Lộc (người kia là Sơn Nam, dĩ nhiên), tức tác giả cuốn truyện lừng danh Đò dọc tới gần đây vẫn tái bản nhiều lần, Lột trần Việt ngữ và vô số tác phẩm văn xuôi.

Lữ đoàn mông đen Bình Nguyên Lộc viết đăng phơi-ơ-tông từ 1966 trên Tin Sớm, bản sách này là bản 1972 của Mây hồng, đề rõ "tiểu thuyết tình cảm xã hội".

Chị So trí nhớ tốt nhắc hộ em các vụ việc liên quan đến mông từng bùng nổ trên blog của em cái, giờ em chỉ nhớ được mỗi vụ cái gì mà "Ngoài phố mùa đông đôi m. em là đốm lửa hồng":d

Khinh rẻ các bộ phận trên cơ thể là một trọng tội về luân lý hahaha.

"Lữ đoàn mông đen" là phiên từ "Brigade mondaine", các bác tự tìm hiểu nhé, trong truyện có pha tán tỉnh hơi bị mỹ mãn, hay hơn phim Hollywood nhiều.

Còn quyền Ý thức bùng vỡ là quà chờ sẵn dành để tặng em Z. Em có thích hông? Lười chụp ảnh nên cóp tạm trên Internet, nhưng em yên tâm là quyển em sẽ có còn đẹp hơn quyển này:) Trong thế giới sách cũ Việt Nam Ý thức bùng vỡ được xếp vào loại kịch độc, như người ta nói là dùng để giết chuột được khỏi phải đi thăm anh Hoàng Tiến.***

Bình Nguyên Lộc sinh tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông xuất thân trong một gia đình trung lưu đã có mười đời sống tại Tân Uyên.[2] Cha là ông Tô Phương Sâm (1878-1971) làm nghề buôn gỗ. Mẹ là bà Dương Thị Mão (hay Mẹo) (1876-1972). Theo giấy khai sinh, Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1915. Tuy nhiên, trên thực tế có thể ông sinh ít nhất một năm trước ngày ghi trong giấy khai sinh, nghĩa là năm 1914, nhưng không rõ có đúng là ngày 7 tháng 3 hay không. Nhà ông chỉ cách bờ sông Đồng Nai hơn một trăm mét và con sông in đậm dấu ấn trong một số tác phẩm của ông sau này như truyện ngắn Đồng đội (trong Ký thác), hồi ký Sông vẫn đợi chờ (viết và đăng báo ở California, Mỹ)...[3]

Từ năm 1919 đến 1920, ông theo học chữ nho với một ông đồ trong làng. Sau đó Bình Nguyên Lộc học trường tiểu học ở Tân Uyên vào những năm 1921-1927. Năm 1928 ông ở nhà luyện tiếng Pháp để thi vào trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn. Từ 1929 đến 1933, ông học trung học ở trường Pétrus Ký và lấy bằng Thành chung (Diplôme d´Études Primaires Supérieures, tú tài phần thứ nhất) năm 1933[3]. Tuy nhiên, có tài liệu nói ông đậu bằng Thành chung trong niên khóa 1933-1934 và thôi học do kinh tế khủng hoảng. Cũng có tài liệu nói ông không học xong trung học và nghỉ học năm 1935.[2]

Năm 1934, Bình Nguyên Lộc về quê lập gia đình với cô Dương Thị Thiệt. Sau đó ông thi vào ngạch thư ký hành chính nhưng vì kinh tế khủng hoảng, hơn một năm sau ông mới được tuyển dụng. Ban đầu, ông làm công chức tại kho bạc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1936, ông đổi về làm nhân viên kế toán ở kho bạc Sài Gòn (sau đổi tên thành Tổng nha ngân khố Sài Gòn). Ông bắt đầu viết văn trong thời gian này. Truyện ngắn đầu tay của ông có tên Phù sa, viết về công cuộc Nam tiến của người Việt vào miền đất mới Nam Kì, đăng trên tạp chí Thanh niên của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Ông kết bạn với những tác giả khác viết cho báo Thanh niên như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Hoàng Tư, Lâm Thao Huỳnh Văn Phương, Dương Tử Giang,.. Vào khoảng năm 1943, ông hoàn tất tác phẩm Hương gió Đồng Nai (khởi thảo từ năm 1935), tập truyện ngắn và tùy bút về hương đồng cỏ nội đất Đồng Nai. Tác phẩm được Xuân Diệu, Huy Cận và vài nhà văn khác tán thưởng, nhưng sau đó bị thất lạc trong chiến tranh.

Năm 1944, Bình Nguyên Lộc bị bệnh thần kinh nên xin nghỉ dài hạn không lương, và từ đó về sau không trở lại với nghề công chức nữa. Năm 1945, ông tản cư về quê, nhưng cuối năm 1946 ông hồi cư trở lại quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một. Trong thời gian này, Bình Nguyên Lộc có tham gia công tác kháng chiến tại miền Đông Nam Bộ và là thành viên của Hội Văn hoá cứu quốc tỉnh Biên Hòa. Vào những năm 1944-1947, do bệnh cũ tái phát gây khủng hoảng tinh thần nên Bình Nguyên Lộc không viết tác phẩm nào.

***

Định không biết nhảy, nhưng cứ vào những nơi nầy mỗi đêm, sợ người ta sinh nghi, nên chàng cố bươi trí để làm cho sự có mặt của chàng được ổn. 1

Dân chơi thì họ bất kể chàng, chàng chỉ lo bị nhơn viên của các hộp đêm nầy ngạc nhiên, tìm biết rồi có thể sẽ biết. Các em ca-ve, người tài-pán, các bồi bàn, toàn là những kẻ điểm mặt từng khách một để ghi họ vào sổ hồng, nếu họ sộp, vào sổ đen, nếu họ keo kiệt.

Mà không phải chỉ điểm mặt mà thôi đấy nhé. Họ sẽ truy tầm căn cước, nghề nghiệp chàng, thì nguy to.

Nguy to là vì cái nghề tạm bợ mà chàng quơ đại để ăn cơm, cái nghề ấy, họ mà biết thì chàng không còn làm được nữa, tức là bể chén cơm, chớ không phải sợ ai ám sát đâu.

Chẳng là chàng đang thất nghiệp, tới xin tiền một thằng bạn, ngỡ sẽ bị nó hất hủi chàng, không dè nó lại mừng rỡ reo to lên:

- Cứu tinh đã đến!

Rồi nó lại hỏi thêm:

- Mầy có cần tiền không?

Có mỉa mai chưa? Chàng tưởng nó giễu chàng, nên chàng nín lặng hồi lâu vì căm tức rồi mới nhẫn nại đáp:

- Ơ... hơ... cũng hơi cần.

- Mầy có thích chỗ làm lương cao chăng?

- Tao chỉ mong có bấy nhiêu đó thôi.

- Vậy mai đi làm, nói đúng ra là tối mai. Tối nay, tao sẽ tiến dẫn mầy với "ổng" là xong.

- Nhưng làm cái quái gì mới được chớ?

Câu chuyện nầy xảy ra lúc ông Diệm đang cầm quyền.

- Nè, thằng ấy nói, phải giữ mồm giữ miệng đa nhé. Hiện ông Mật vụ trưởng vừa lập một cơ sở lấy tên là "Lữ đoàn mông đen" và cần vài nhơn viên lỗi lạc cho Lữ đoàn, mỗi nhơn viên được xem như là ông xếp của một khu riêng biệt.

Mầy có vó sang trọng, tức là mầy khá mông đen, thì mầy được lắm. Ổng nhờ tao tìm người đáng tin cậy, có khả năng, tao cũng chẳng biết ai, nên đang bể óc đây thì mầy tới, may quá!

- Nhưng Lữ đoàn ấy sẽ đánh giặc với ai?

- Định hỏi.

- Không có đánh giặc, đánh giả gì hết ráo. Đó là dịch ở danh từ "Brigade mondaine" ra. Lữ đoàn mông đen chỉ cần len lỏi vào các giới ăn chơi để theo dõi những công chức, những nhơn vật tăm tiếng mà ăn chơi quá khả năng tài chánh của họ để mà báo cáo lên thượng cấp, rồi thượng cấp làm gì họ, mình cũng chẳng cần biết. Dễ ăn lắm mà.

Mới nghe qua thì quá dễ ăn thật đó, nên chi Định nhận lời lập tức, lòng phấn khởi vô cùng.

Nhưng đêm nay, đêm đầu làm việc, vào vũ trường Eldorado, chàng mới thấy là khó ăn.

Chàng có vó sang trọng thật đó, nhưng lại không sang trọng tí nào, vì chàng là học trò mới ra trường vừa tìm được một chỗ làm thì vài tháng sau đã bị đuổi, vì cự với ông chủ hãng, thế thì lấy tiền đâu mà chàng ăn chơi để sang trọng? Như vậy, mặt mũi của những ông bự mà chàng có phận sự theo dõi, chàng không biết ra sao cả, chàng như thằng mù thì còn làm ăn gì được.

Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Bình Nguyên Lộc":

  1. Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương
  2. Đò Dọc
  3. Gieo Gió Gặt Bão
  4. Quán Tai Heo
  5. Lữ Đoàn Mông Đen
  6. Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam
  7. Nửa Đêm Trảng Sụp
  8. Tỳ Vết Tâm Linh
  9. Sau Đêm Bố Ráp
  10. Thầm Lặng
  11. Truyện Ngắn - Bình Nguyên Lộc