"Em tên là Nojoud, và là người Yémen. Bị bố mẹ ép gả cho một người đàn ông nhiều gấp ba lần tuổi mình, em đã bị lạm dụng tình dục và bị đánh đập. Ba tháng sau đám cưới, em trốn khỏi nhà, đến tòa án và xin được ly hôn..."
Gây chấn động thế giới, câu chuyện có thật về vụ ly hôn ở tuổi lên mười của cô bé Nojoud là sự kiện hy hữu tại Yémen, nơi phân nửa các bé gái kết hôn dưới tuổi mười lăm mà không được ai biết đến. Trải qua quãng đường dài đầy nhọc nhằn, cam go để tìm tới công lý, trong nỗi lo sợ bị đe dọa và trong tâm trạng đau đớn vì phải tố cáo cả người thân, rốt cuộc Nojoud cũng gặp được những người có trái tim quả cảm. Cô được giúp đỡ để lên tiếng, và sau cô là nhiều cô bé Yémen đồng cảnh ngộ cũng được lên tiếng, phá tan im lặng và những cấm kỵ tàn nhẫn, tìm lại cho mình con đường sống tự do.
Trở thành một biểu tượng với câu chuyện tự thuật xúc động có một không hai đó, Nojoud còn là một trong 10 gương mặt của năm 2008 do tạp chí Glamour bầu chọn.***
Nojoud Ali (phiên âm tiếng Anh Nujood Ali) sinh năm 1998, được coi là gương mặt điển hình của cuộc chiến chống lại tình trạng cưỡng hôn ở Yémen. Năm 10 tuổi, cô bé đã giành phần thắng trong một vụ ly hôn mang tính lịch sử.
Delphine Minoui sinh năm 1974, là một nhà báo người Pháp nổi tiếng và chuyên gia về khu vực Trung Đông. Cô là đặc phái viên tại khu vực này của kênh truyền hình France Inter và kênh phát thanh France Info, đồng thời là cộng tác viên thường xuyên của báo Le Figaro.
Năm 2006, Minoui được trao giải Albert Londres cho một loạt các bài báo của cô về Iraq và Iran.***
Ngày xửa ngày xưa có một xứ sở thần tiên với bao truyền thuyết cũng lạ thường như những ngôi nhà mang hình dáng mẩu bánh mì, những ngôi nhà được trang trí bằng các đường nét tinh xảo như những vệt đường trên que kem. Một xứ sở nằm ở cực Nam bán đảo Ả rập, nơi tiếp giáp với biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Một xứ sở với ngàn năm lịch sử, với những tòa tháp nhỏ bằng đất trên đỉnh những ngọn núi uốn nếp. Một xứ sở với mùi hương trầm dìu dịu phảng phất ở mỗi chỗ rẽ vào những con hẻm nhỏ lát gạch.
Xứ sở đó mang tên Yemen.
Nhưng, từ rất lâu rồi, người lớn đã quyết định gọi xứ sở đó bằng biệt danh Ả rập hạnh phúc - Arabia Felix.
Bởi vì Yemen là xứ sở khiến chúng ta phải mơ ước. Đó là vương quốc của hoàng hậu SAba, một phụ nữ xinh đẹp và vững vàng đến khó tin, người đã đốt cháy trái tim hoàng đế Salomon, người mà ta vẫn có thể thấy dấu ấn trong những cuốn sách thiêng như Kinh Thánh và kinh Coran. Đó là một xứ sở huyền bí, nơi đàn ông không bao giờ ra ngoài mà không mang theo con dao khoằm vốn luôn được móc một cách đầy tự hào vào thắt lưng họ, và nơi phụ nữ giấu vẻ đẹp của mình đằng sau những tấm mạng dày màu đen. Đó là một vùng đất nằm trên con đường thương mại cổ, con đường từng có rất nhiều đoàn thương gia buôn bán hương liệu, quế và vải vóc đi qua. Hành trình của họ kéo dài hàng tuần, có khi hàng tháng. Dù trời mưa hay trời gió, họ cũng không bao giờ dừng lại. Người ta thường kể rằng những người chịu đựng kém nhất không bao giờ trở về quê hương được.
Để họa nên đất nước Yemen, ta phải tưởng tượng ra một vùng đất lớn hơn ba nước Hy Lạp, Nepal và Syrie gộp lại một chút, vùng đất ấy vươn mình chạm tới vịnh Aden. Ở đó, trong biển nước đầy sóng gió, những tên cướp biển, suốt các cuộc hành trình dài dằng dặc, luôn rình rập tàu chở hàng quá cảnh giữa Ấn Độ, châu Phi, châu Mỹ và châu Âu...
Trải qua nhiều thế kỷ, biết bao kẻ xâm lăng đã không cưỡng lại được ham muốn chiếm cứ mảnh đất xinh đẹp này. Người Ethiopia từng đổ bộ lên đây với những cây cung và những mũi tên nhưng họ nhanh chóng bị đánh đuổi. Tiếp đó là những người Perses mày rậm, họ đến đây đào đắp kênh rạch, dựng lên pháo đài và tuyển mộ một số bộ tộc để đánh đuổi những kẻ xâm lược khác. Rồi người Bồ Đào Nha tới thử vận may ở đây bằng cách lập ra các hãng buôn. Sau đó, người Ottoman tiếp tục đổ bộ và chiếm cứ xứ sở này trong vòng hơn một trăm năm. Sau này, người Anh da trắng đến ở miền Nam còn người Thổ Nhĩ Kỳ định cư ở miền Bắc. Khi người Anh ra đi, đến lượt mình, người Nga máu lạnh lại quan tâm đến miền Nam. Như một chiếc bánh bị những đứa trẻ quá háu ăn tranh giành, xứ sở này dần dần bị chia cắt làm đôi.