Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn là nhà văn, nhà viết kịch của Liên Bang Xô Viết và Liên Bang Nga đoạt giải Nobel Văn học năm 1970.
Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn sinh ở Kislovodsk, vùng bắc Kavkaz. Bố mất khi Solzhenitsyn chưa sinh, mẹ đi làm nghề đánh máy để nuôi con. Năm 1925 hai mẹ con chuyển về thành phố Rostov-trên-sông-Đông (Rostov-na-Donu). Từ năm 1926 đến 1936 học ở trường phổ thông thường bị bạn bè chế diễu vì đeo thập tự và không muốn vào Đội thiếu niên Lenin. Sau đó, nghe theo lời khuyên của các thầy cô giáo, Solzhenitsyn đã tiếp nhận lý tưởng cách mạng, năm 1936 vào Đoàn thanh niên cộng sản Komsomol. Từ nhỏ Solzhenitsyn đã muốn trở thành nhà văn nhưng có năng khiếu toán học nên năm 1936 ông theo học khoa Toán trường Đại học Rostov để sau này dễ kiếm việc làm. Những năm học ở Đại học Rostov, Solzhenitsyn luôn là sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng Stalin.
Năm 1970, Alekxandr Solzhenisyn được tặng giải Nobel nhưng ông không đến Thụy Điển nhận lễ trao giải vì sợ sau đó không trở về nước được; hai năm sau ông mới đến nhận giải và đọc Diễn từ. Năm 1974, sau khi công bố bản tuyên ngôn Không sống bằng dối trá (Жить не по лжи) và cho in tác phẩm Quần đảo GULag (Архипелаг ГУЛаг) ở Paris, Solzenitsyn bị bắt, bị nhà nước Liên Xô tước quyền công dân và bị trục xuất sang Cộng hòa Liên bang Đức, sau đó ông định cư ở Hoa Kỳ.
Bản tuyên ngôn Không sống bằng dối trá được viết ngay trước khi ông bị trục xuất khỏi nước Liên Xô đã thể hiện tâm tư của ông, có đoạn viết Chúng ta đã bị phi nhân tính một cách tuyệt vọng tới mức chỉ vì một khẩu phần ăn khiêm tốn hàng ngày cũng sẵn lòng đánh đổi mọi nguyên tắc của mình, tâm hồn của mình, những nỗ lực của tiền nhân và cơ hội dành cho hậu thế - cốt sao sự tồn tại mong manh của mình không bị phá vỡ. Chúng ta chẳng còn lấy một chút vững vàng, một chút tự hào và một bầu nhiệt huyết. Chúng ta thậm chí còn chẳng sợ cái chết vì vũ khí hạt nhân, không sợ thế chiến thứ ba (còn có thể trú ẩn trong những kẽ hầm mà!), thế nhưng lại sợ những hành động can đảm của công dân! Bài viết này được các báo chí trên thế giới đăng lại hoặc nhắc đến, gồm The Washington Post, NewYork Times
***
... Người ta la hét, chửi bới ông, thúc vào lưng ông đòi chỗ. Pavlo nói:
- Trung tá! Trung tá!
Buinovski giật bắn mình, như bị đánh thức và quay lại.
Pavlo đưa bát cháo cho ông, không hỏi xem ông có muốn ăn hay không.
Cặp lông mày của Buinovski dựng ngược lên, hai mắt nhìn vào bát cháo như thể nhìn vào một vật lạ chưa từng thấy bao giờ.
- Cầm lấy, cầm lấy, - Pavlo nói cho ông yên tâm, rồi cầm lấy bát cháo cuối cùng cho đội trưởng, đứng dậy, bước ra ngoài.
Nụ cười ngượng ngập nở trên đôi môi nứt nẻ của viên trung tá, người đã từng bôn ba bốn biển, vòng quanh châu Âu và vùng cực Bắc mênh mông. Ông sung sướng cúi xuống bát cháo mạch đong vơi, loãng hoét, không một chút mỡ, chỉ có hạt mạch và nước.
... Fechiukov hậm hực nhìn Sukhov và trung tá rồi bỏ đi.
Theo Sukhov thì việc Pavlo cho ông trung tá bát cháo là đúng. Rồi sẽ đến lúc ông ta tự học được cách xoay xở, chứ như bây giờ ông còn ngu ngơ lắm. Sukhov còn có thêm một niềm hi vọng mỏng manh nữa: Sezar có thể sẽ cho anh bát cháo của hắn chăng?
Sau khi ăn xong xuất thứ hai, Sukhov lại lấy cùi bánh vét sạch lòng bát, vừa lau vừa liếm miếng bánh, cuối cùng thì anh ăn hết miếng bánh đó. Xong xuôi anh mới bưng bát cháo đã nguội của Sezar và đứng dậy đi ra ngoài.
- Mang lên văn phòng! - anh ẩy tên phạm canh bát đĩa ở cạnh cửa định không cho anh ra.
Văn phòng là một cái nhà gỗ thô mộc cạnh trạm gác. Vẫn như lúc sáng, khói cuồn cuộn tuồn từ trong ống khói ngôi nhà ra. Bếp lò lúc nào cũng được một tên cần vụ kiêm tuỳ phái trông nom. Hắn được trả lương khoán để làm những việc này. Đối với văn phòng người ta không tiếc củi.
Sukhov kẹt mở cửa ngoài, rồi đến một cửa nữa được nhồi kín chặt bằng những sợi đay. Anh bước lẹ vào mang theo một đám hơi nước băng giá, vội vàng sập cửa lại (kẻo lại bị la tướng lên: “Ê, đồ ngu, đóng cửa lại!”).
Anh thấy trong phòng nóng như nhà tắm hơi vậy. Qua lớp băng chảy trên mặt kính cửa sổ, mặt trời vui vẻ đùa nghịch, không giận dữ như ở phía trên nhà máy điện. Và khói từ trong chiếc tẩu của Sezar nhả ra cuồn cuộn như hương trầm trong nhà thờ. Còn lò thì cháy đỏ rực, các ngài ở đây xài củi khiếp thật. Đến cả ống dẫn khói cũng đỏ rực.
Nóng như thế này ngồi xuống một tí là ngủ ngay.
Văn phòng chia làm hai căn. Cửa phòng của ông giám công hé mở, tiếng ông oang oang vọng ra:
- Ta đã chi quá mức cho quỹ tiền lương và cho vật liệu xây dựng. Có những tấm gỗ rất quý, đây tôi còn chưa nói đến những bộ ván, tù nhân đem bổ ra chặt làm củi sưởi, thế mà các anh chẳng biết gì cả. Mấy ngày hôm nay trời gió to như vậy mà tù nhân bốc dỡ xi măng ở cạnh kho, lại còn lấy cáng mà khiêng xi măng đi đến cả chục mét. Xung quanh kho đâu cũng thấy xi măng ngập đến mắt cá chân, lúc ra về áo tù không phải màu đen nữa, mà là màu xám. Mất mát bao nhiêu các anh có biết không hả?