"Mù lòa" giống như câu chuyện ngụ ngôn giàu triết lý. Với lối viết tỉ mỉ, châm biếm, Jose Saramago cuốn hút người đọc vào từng trang sách, cười khóc với các nhân vật trong truyện.
Mù lòa là cuốn tiểu thuyết siêu thực, đa nghĩa, đầy ẩn dụ được nhà văn José Saramago viết năm 1995. Năm 2008, Mù lòa được chuyển thể thành phim và chiếu mở màn tại Liên hoan phim Cannes. Đó là câu chuyện hư cấu về một thành phố kỳ lạ - thành phố bỗng dưng hóa mù.
...
Căn bệnh mù trắng đã lan ra ngoài bốn bức tường của phòng giam, vỏ bọc của xã hội thành thị văn minh sụp đổ hoàn toàn và trở về trạng thái nguyên thủy man rợ. Toàn bộ cơ sở hạ tầng của thành phố bị phá hủy, mối liên kết giữa các cá thể trong cộng động sụp đổ hoàn toàn. Xác chết ngập đường, lương thực thiếu thốn, người nọ chiếm cứ nhà của người kia, ai cũng làm đủ mọi cách để sinh tồn, bất chấp việc chà đạp lên đồng loại…
Chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng ấy, vợ ông bác sĩ - người sáng mắt duy nhất đã có lúc thốt lên mong muốn được mù như mọi người, “mù nhưng thấy”. Không phải bỗng dưng tác giả mở đầu cuốn sách bằng câu đề từ: “Nếu ngươi có thể thấy, hãy nhìn. Nếu ngươi có thể nhìn, hãy quan sát”. Lời đề từ như tiếng sấm truyền từ một cuốn sách cổ xưa để lại, khiến người đọc không khỏi bàng hoàng, thảng thốt. Thì ra từ “thấy” đến “nhìn” và “quan sát” là cả một chặng đường dài về nhận thức mà không phải kẻ “mắt sáng” nào cũng làm được.
Mù lòa giống như một câu chuyện ngụ ngôn giàu triết lý. Với lối viết tỉ mỉ, châm biếm, Jose Saramago đã cuốn hút người đọc vào từng trang sách, cười khóc với các nhân vật trong truyện. Hơn hết, Mù lòa đặt ra cho người đọc những triết lý nhân sinh cần suy ngẫm qua lời vợ ông bác sĩ nói trong phần kết của tác phẩm: “Em không nghĩ chúng ta đã hóa mù, em nghĩ từ trước đến giờ chúng ta vẫn mù, Mù nhưng nhìn được, Những người mù có thể nhìn được, nhưng không thấy”.***
Jose Saramago sinh năm 1922 tại Azinhaga, thuộc tỉnh Ribatejo, Bồ Đào Nha. Tác phẩm của ông đầy chất huyền thoại và đa nghĩa, gợi lại cổ tích qua cách nhìn độc đáo về lịch sử, xã hội và con người. Văn của ông đi sâu vào chỉ tiết, châm biếm và dí dỏm, siêu thực và đầy ẩn dụ. Mãi đến năm sáu mươi tuổi ông mới được nhiều người biết đến qua tác phẩm Memorial do Convento (Ký ức về nhà tu kín, 1982). Tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi nhất của ông là O Evangelho Segundo Jesus Cristo (Phúc âm theo Chúa Jesus, 1991), bị Thứ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha loại khỏi danh sách các tác phẩm đề cử giải Văn chương châu Âu. Ông nhận giải Nobel Văn chương năm 1998.