Có một miền đất nhiều vách đá, khô cằn và khắc nghiệt ở bắc đảo Briland, đất nước Scotland. Nó không lớn và cũng ít người. Dân ở đấy nghèo nhưng can đảm và chuộng tự do.
Người Scotland thường thêu trên lá cờ của mình những bông hoa nhỏ màu tím hồng của bụi trường xuân và cúc gai. Trường xuân là vật trang sức khiêm tốn của các sườn núi và bãi trống ven biển Scotland, còn cúc gai là hiện thân của sức sống kiên cường và mãnh liệt. Cũng như những cây ngưu bàng đã gợi cho Lép Tônxtôi, nhà văn Nga, suy nghĩ về những con người ở miền núi Đaghextan, những bụi trường xuân và cúc gai chính là tượng trưng của sức sống dẻo dai của người Scotland. Người Anh đã chiếm Scotland, nhưng không chỉ ở những thế kỷ trước, ngày nay người Scotland vẫn đấu tranh đòi tách đất nuớc mình ra khỏi Vương quốc Anh.
Mặc dù giai cấp thống trị Scotland thoả hiệp và đầu hàng, có kẻ còn quên cả tiếng mẹ đẻ nhưng dân tộc Scotland vẫn không đầu hàng.
Trong cuốn "Những người con của thuyền trưởng Grant", Giuyn Vécnơ, nhà văn Pháp đã ca ngợi những người Scotland thường luôn hướng về tổ quốc mình. Nghệ thuật Scotland không tàn lụi. Các bài ca của nó đã dược Beethoven, nhạc sĩ thiên tài người Đức nâng niu, được Oante Xcot, nhà văn Scotland đưa vào tiểu thuyết của mình.
R.L Stevenson đã thừa hưởng tất cả tính cách mạng của dân tộc mình. Ông chỉ thiếu sức chịu đựng dẻo dai như ở cơ thể của những người đồng hương. Sinh năm 1850, ông xuất thân từ gia đình kỹ sư xây dựng đèn biển. Chính ông đã dự định trở thành hoa tiêu, đã viết một tác phẩm về những người thắp đèn chỉ đường cho những con tàu lách qua sương mù và ghềnh đá. Nhưng bệnh tật đã buộc ông từ bỏ ý định của mình.
Ông tới miền nam nuớc Pháp, nương nhờ khí hậu ấm áp nơi đây để chữa bệnh. Sau khi sức khoẻ khá hơn, ông làm một cuộc hành trình theo sau một con lừa thồ hàng đi khắp nước Pháp, rồi cùng con thuyền bơi khắp các dòng sông và kênh đào ở Bỉ và Hà Lan. Những chuyến đi đó in dấu trong tác phẩm của Stevenson. Sau đó ông lại sang Bắc Mỹ, điều này giải thích vì sao Stevenson thường viết các tiểu thuyết phiêu lưu. Nhưng các tác phẩm xuất sắc của ông thường liên quan đến biển và gợi lại không gian Scotland.
Stevenson rất yêu mến trẻ em và say mê các trò chơi của các em nhỏ. Ông chơi trận giả với con trên tầng gác chật chội và tối tăm, say mê như tham gia những chiến dịch lớn. Sàn nhà đầy bản đồ với các nét vẽ núi non, sông ngòi, đầm lầy, biển cả. Một trong các bức bản đồ đó đã được phong phú lên thêm bằng câu chuyện tưởng tượng về bọn cướp biển, sau đó trở thành tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Stevenson: "Đảo giấu vàng".
Nghề cướp biển hồi đó rất thịnh hành. Bọn cướp biển người Anh đặc biệt đặc biệt hăng hái trong việc cướp bóc các thương thuyền của Ý chở vàng từ Mêhicô, Pêru và Ấn Độ. Các tàu cướp được hợp pháp hoá, được phép treo cờ Anh. Vua Anh sẵn sàng tiếp nhận của cải của bọn hải tặc dâng lên song cũng phẩy tay quay đi khi chúng rơi vào tai họa. "Đảo giấu vàng" phê phán nạn cướp biển, ca ngợi chiến thắng của cái thiện đối với cái ác.
"Mũi tên đen" được viết muộn hơn khi Stevenson đã trở nên nổi tiếng. Câu chuyện lùi lại những sự kiện xảy ra vào thế kỷ XV, thời kì đuợc gọi là cuộc chiến tranh Hoa Hồng Trắng và Hoa Hồng Đỏ của hai dòng họ lớn đều có tham vọng giành ngai vàng của nuớc Anh: York và Lancaster. Cuộc tranh giành kéo dài ba mươi năm này đã cuốn vào khói lửa không biết bao nhiêu con người và làm cho nứơc Anh kiệt quệ. Nhân dân không chờ mong điều gì tốt lành của những bên tham chiến, họ đã tự tổ chức phòng thủ hoặc trả thù các lãnh chúa phong kiến cưỡng bức mình. Họ trở thành các cung thủ tự do, thành "Jhon - trả - thù - cho - tất cả". Họ lập đảng "Mũi Tên Đen". Những người ban đầu bị cuốn hút vào chiến tranh như tiểu công tử Dick Shelton cũng mau chóng tỉnh ngộ và rời bỏ cái ác.
Stevenson phê phán các cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ông tạo dáng ghê sợ cho những kẻ làm điều ác. Tên Silver thọt chân trong "Đảo giấu vàng", gã người gù khắc nghiệt và khát máu Richard York trong "Mũi Tên Đen".
Cái ác bị vạch trần đến tận cùng trong tiểu thuyết chín muồi nhất của Stevenson: "Master of Ballantrae". Vẻ ngoài của nó cũng là một tiểu thuyết phiêu lưu. Các cuộc mạo hiểm trên biển, chuyến du lịch tới Ấn Độ, Bắc Mỹ… làm hấp dãn người đọc. Tuy nhiên, nội dung chủ yếu của nó là phô bày sự phân hoá của một gia đình Scotland.
Vinh quang đến với Stevenson nhưng bệnh tật ngày càng trầm trọng. Một lần nữa nhà văn lại tìm đến nơi khí hậu dễ chịu hơn, đó là Xamoa, một hòn đảo nằm giữa mênh mông trùng sóng Thái Bình Dương. Tại đây ông đứng về phía người bản xứ, bảo vệ họ và chống lại bọn thực dân xâm lược người Anh, Mỹ, Đức. Nhân dân Xamoa gọi ông bằng cái tên kính trọng: "Người viết ra lịch sử".
Tác phẩm của Stevenson đầy lạc quan, sự sảng khoái, vui vẻ, đầy chiến thắng. Có độc giả nghĩ ông là một anh chàng phong lưu, lớn lên bằng bí-tết và dồi, lúc nào cũng khoác áo đuôi tôm màu đỏ rong ruổi trong rừng, đi săn không biết mệt. Sự thực, sức khoẻ của ông ông mỗi lúc một suy sụp. Chính ở Xamoa, Stevenson đã trút hơi thở cuối cùng, vào ngày 03 tháng 12 năm 1894 khi mới bốn mươi lăm tuổi.
Ngừơi ta mai táng ông trên một quả đồi nhỏ, trên mộ ghi những dòng kết của bài thơ "Khúc tưởng niệm" mà ông đã viết, trong đó có đoạn:
Xin viết những dòng để nhớ về tôi:
"Ông ta nằm đây, nơi ông ta muốn
Người thuỷ thủ trở về từ biển lớn
Người đi săn trở về từ giữa núi đồi".
Stevenson hằng mơ ước những quyển sách của mình là bạn đường yêu quí của mỗi thuỷ thủ, mỗi người lính, mỗi nhà du lịch để họ thêm can đảm và có niềm vui, có chuyện kể cho nhau nghe trong những đêm dài trực canh, hay bên đống lửa xua tan gió rét. Mơ ước của nhà văn thật giản dị và ấm cúng. Trong các cuốn sách hay nhất của mình - trong đó có "Mũi Tên Đen" - Stevenson đã thực hiện được điều đó.
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Robert Louis Stevenson":
- Bác Sĩ Jekyll Và Ông Hyde
- Bắt Cóc
- Mũi Tên Đen
- Đảo Giấu Vàng