Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không?

Tác giả : Philip K. Dick
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 81
  • Kích thước : 1 KB
  • Số trang : 223
  • Số lượt tải : 12
  • Read on mobile :

Người Máy Có Mơ Về Cừu Điện Không?- một trong những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng viết năm 1986 đưa lại hình dung đình đám nhất về đời sống hậu-nhân loại (post-human) của Phillip K.Dick.***

Cốt truyện diễn ra trong vòng 24 giờ, từ khi Rick phát hiện bọn người máy, tiêu diệt chúng cho đến lúc gã lạc lõng trong chính thế giới quan của mình.

Ngôn ngữ của hội họa với màu vẽ vốn là ngôn ngữ im lặng, nhưng lại có những tác phẩm ngồn ngộn âm thanh, bức tranh The Scream (tạm dịch: Tiếng thét) của Edvard Munch là một ví dụ.

Ngôn ngữ của văn chương nằm ở câu chuyện bên trong tác phẩm, nhưng có những sáng tác mà chỉ nhan đề của chúng đã đẩy người xem đến cuộc phiêu lưu suy tưởng, Người máy có mơ về cừu điện không? - tiểu thuyết của Philip K. Dick nắm giữ sự khiêu khích như vậy.

Tác phẩm của Philip K. Dick đặt bối cảnh trong một tương lai gần: sau khi cuộc thế chiến bom hạt nhân kết thúc, con người phải di cư lên sao Hỏa để tránh những cơn mưa axit, trong khi một số ít ở lại Trái đất, còn động vật gần như bị tuyệt chủng.

Rick Deckard - gã thợ săn tiền thưởng đang muốn có đủ tiền để mua một con cừu thật thay cho cừu điện ở nhà - đã vướng vào vụ truy quét những con robot trốn từ sao Hỏa đến Trái đất. Cốt truyện diễn ra trong vòng 24 giờ, từ khi Rick phát hiện bọn người máy, tiêu diệt chúng cho đến lúc gã lạc lõng trong chính thế giới quan của mình.

Tạo ra mớ bòng bong về nhân tính, Philip K. Dick để Rick Deckard chao đảo liên tục trước câu hỏi liệu người máy có được quyền sống hay không, một con cừu thật sẽ cứu vớt cuộc đời gã ra sao và liệu con người có thấu cảm được lũ robot dây nhợ chằng chịt?

Nhịp điệu trong cuốn sách là sự đan xen kỳ lạ giữa tiết tấu chậm rãi khi nói về thú vui của con người, hay trong cách miêu tả thế giới ảm đạm, nhưng lại chuyển nhịp gấp gáp với cái chết của sáu người máy đào thoát. Điều đó tạo nên không khí kỳ ảo, siêu nhiên trong tác phẩm, nửa kéo người xem vào thế giới hư cấu, nửa khác lại quăng độc giả rất nhanh vào những chất vấn về mối quan hệ người - máy.

Thế nhưng tại sao cuốn sách này lại liên quan mật thiết đến bức tranh của Edvard Munch? Tác giả đã có một trong những trang viết hay nhất về bức Tiếng thét: "...sinh vật ấy gào thét trong cô độc. Bị cách ly bởi tiếng la hét của nó". Những bình phẩm về bức tranh của Edvard Munch cũng chính là lời ta thán của chính Philip K. Dick dành cho sự đơn độc của người máy. Trong thế giới văn chương của ông, dẫu sao con người vẫn có sự lựa chọn, có con cừu điện hoặc mua một con vật thật, tiêu diệt người máy hoặc thấu cảm với chúng. Còn người máy, chúng nằm hoàn toàn ở phía của sự bế tắc.

Bức tranh của Edvard Munch và tiểu thuyết của Philip K. Dick đã tạo nên một giao điểm trong nghệ thuật, nơi sự cô độc được đẩy lên mức cao nhất bằng cả tranh vẽ lẫn câu chữ. Đó cũng chính là câu trả lời đanh thép (dù gián tiếp) của Philip K. Dick khi hỏi người máy có mơ về cừu điện không? Không. Họ mơ về những con cừu thật.

Người máy có mơ về cừu điện không? (Triều Dương dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) là tác phẩm quan trọng bậc nhất của nền văn học viễn tưởng.

Tiểu thuyết đã gợi cảm hứng cho bộ phim Blade Runner (1982) của đạo diễn Ridley Scott ra đời. Bản thân bộ phim cũng đã thay đổi hoàn toàn nền điện ảnh giả tưởng. Bất kỳ một phiên bản nào của Blade Runner hay chính cuốn sách cũng đều tạo nên một sức hút đặc biệt cho công chúng và tạo ra những tranh luận gay gắt về đạo đức trí tuệ nhân tạo.

***

Luồng điện nhẹ vui tươi được chuông đánh thức tự động bơm lên từ thiết bị tâm trạng ở bên giường làm Rick Deckard tỉnh giấc. Bất ngờ - gã luôn bị bất ngờ khi thấy mình đã tỉnh mà không báo trước - gã nhổm khỏi giường, đứng dậy trong bộ đồ ngủ sặc sỡ, và vươn người. Lúc này, ở trên giường, Iran vợ gã đã mở cặp mắt xám rất thiếu vui tươi, chớp chớp rồi rên khẽ, đoạn nhắm mắt lại.

“Em đặt cái Penfield yếu quá,” gã bảo cô. “Để anh đặt lại rồi em sẽ tỉnh táo và…”

“Đừng động vào cài đặt của em.” Giọng cô gắt gỏng. “Em không muốn tỉnh.”

Gã ngồi lại cạnh cô, cúi xuống cô và dịu dàng giải thích. “Nếu em đặt luồng điện đủ cao, em sẽ khoan khoái khi thấy mình đã tỉnh, toàn bộ mục đích là ở đó. Tới mức C nó sẽ vượt qua ngưỡng ngăn ý thức, như với anh.” Niềm nở, vì gã đang cảm thấy khá yêu mến thế giới - mức cài đặt của gã là D - gã vỗ lên bờ vai trần trắng nhợt của cô.

“Bỏ cái tay cảnh sát thô bạo của anh ra.”

“Anh đâu phải cảnh sát.” Lúc này gã cảm thấy cáu kỉnh, dù gã không quay số chọn cáu kỉnh.

“Anh còn tệ hơn cả cảnh sát,” vợ gã nói, mắt vẫn nhắm nghiền. “Anh là kẻ được cảnh sát thuê để giết người.”

“Trong đời anh chưa giết một con người nào cả.” Lúc này cơn tức giận của gã đã dâng cao, biến thành thù địch rõ rệt.

“Chỉ giết bọn người máy đáng thương thôi.”

“Thế mà tiền thưởng anh mang về, anh thấy em chưa bao giờ nghĩ ngợi trước khi ném ra mua món đồ nào theo ý thích bất chợt của em cả.” Gã đứng dậy, bước đến bảng điều khiển thiết bị tâm trạng của mình. “Thay vì tiết kiệm để nhà mình có tiền mua một con cừu thực, để thay con cừu điện giả trên kia. Một con thú điện thôi mà anh phải phấn đấu suốt mấy năm ròng để đạt được.” Ở bàn điều khiển, gã băn khoăn không biết nên quay số chọn áp chế đồi não (sẽ xóa bỏ tâm trạng giận dữ của gã) hay kích thích đồi não (sẽ khiến gã bực tức đủ để thắng cuộc cãi cọ lần này).

“Nếu anh chọn,” Iran nói, mắt mở ra quan sát, “mức độc địa hơn, thì em cũng chọn y vậy. Em sẽ chọn tối đa và anh sẽ được thấy một vụ cãi nhau mà mọi cuộc cãi cọ giữa chúng ta từ trước tới nay sẽ chẳng là gì hết. Cứ thử xem nào.” Cô đứng phắt dậy, lao tới bảng điều khiển tâm trạng của mình, nhìn chằm chằm gã và đợi.

Gã thở dài, đầu hàng trước lời đe dọa của cô. “Anh sẽ chọn chế độ mà anh lên lịch hôm nay.” Kiểm tra lịch ngày 3/1/1992, gã thấy lịch yêu cầu thái độ chuyên nghiệp tích cực trong công việc. “Nếu anh chọn theo lịch,” gã cẩn trọng nói, “em cũng đồng ý làm như thế chứ?” Gã đợi, khôn khéo không thi hành ngay cho tới khi vợ gã đồng ý làm theo.

“Lịch của em hôm nay là sáu tiếng trầm cảm tự buộc tội.”

“Sao cơ? Sao em lại lên lịch như vậy?” Thế là đi trái với toàn bộ mục đích của thiết bị tâm trạng. “Anh còn không biết là có thể cài đặt lựa chọn đó,” gã nói gầm gừ.

“Một buổi chiều em đang ngồi đây, và tất nhiên là em đã bật Buster Thân thiện và những Thân hữu Thân thiện. Ông ta đang nói về một tin quan trọng sắp công bố thì cái quảng cáo kinh khủng ấy bật lên. Cái em ghét nhất, anh biết đấy, cái Khố chì Mountibank ấy. Nên em tắt tiếng chừng một phút. Và em nghe thấy tòa nhà, cái tòa nhà này. Em nghe thấy những…” Cô huơ tay.

“Những căn hộ trống trải,” Rick nói. Đôi khi gã cũng nghe thấy chúng vào ban đêm khi lẽ ra phải ngủ. Nhưng, vào ngày hôm nay và ở thời đại này, một tòa chung cư với nửa số căn hộ có người ở đã được xếp hạng là mật độ dân số cao. Ở ngoài kia, nơi hồi tiền chiến là vùng ngoại ô, còn có thể bắt gặp những tòa nhà hoàn toàn trống trơn… hay là gã nghe bảo vậy. Thông tin ấy gã nghe vậy thì cứ biết vậy. Như hầu hết mọi người, gã không có ý định đi kiểm nghiệm trực tiếp.

“Lúc đó, khi em tắt tiếng ti vi đi, em vừa mới quay số xong ở tâm trạng 382. Nên tuy về lý trí em vẫn nghe thấy sự trống rỗng kia, nhưng em không cảm nhận được nó. Phản ứng đầu tiên của em là mừng vì mình có tiền mua máy tâm trạng Penfield. Nhưng rồi em nhận ra như vậy không lành mạnh chút nào: hiểu được sự thiếu vắng cuộc sống, không chỉ trong tòa nhà này mà khắp mọi nơi, mà lại không có phản ứng - anh không thấy sao? Em đoán là không. Nhưng một thời đó được xem là dấu hiệu của bệnh tâm thần đấy. Họ gọi đó là ‘thiếu xúc động phù hợp’. Nên em vẫn tắt tiếng ti vi và ngồi vào máy tâm trạng thử nghiệm các mức khác nhau. Rồi cuối cùng em tìm thấy mức cài đặt cho tuyệt vọng.” Khuôn mặt lanh lợi, sẫm màu của cô lộ vẻ hài lòng, như thể cô đã đạt được điều gì đó giá trị. “Nên em đặt lịch hai lần một tháng. Em nghĩ chừng đó thời gian là hợp lý để cảm thấy vô vọng về mọi thứ, về việc ở lại Trái đất này sau khi tất cả những người khôn ngoan đã di cư, anh không nghĩ thế sao?”

“Nhưng tâm trạng như vậy, em sẽ rất dễ ở lại trong tâm trạng đó, không quay chọn mức khác để thoát ra. Nỗi tuyệt vọng như vậy, tuyệt vọng với toàn bộ thực tại, sẽ chỉ càng lúc càng thêm đậm.”

“Em lên chương trình tự động cài đặt lại sau ba tiếng,” vợ gã nói ngọt xớt. “Chế độ 481. Nhận ra những khả năng phong phú mở ra với em trong tương lai, hy vọng mới rằng…”

“Anh biết 481,” gã cắt lời. Gã đã chọn số đó nhiều lần, gã dựa rất nhiều vào nó. “Em nghe này,” gã nói, ngồi xuống giường, cầm tay kéo cô ngồi bên cạnh gã, “dù có thiết lập ngắt tự động, thì trải qua một cơn trầm cảm vẫn là nguy hiểm dù ở bất cứ dạng nào. Hãy quên lịch của em đi, còn anh sẽ quên đi lịch của anh. Chúng ta sẽ cùng quay số 104 và trải nghiệm bên nhau, và rồi em cứ ở trong trạng thái đó, còn anh sẽ chỉnh lại về thái độ chuyên nghiệp tích cực trong công việc như thường lệ. Như vậy anh sẽ có ý muốn lên sân thượng xem cừu rồi đến văn phòng, và anh sẽ biết là em không ngồi ủ rũ ở đây không buồn xem ti vi.” Gã buông những ngón tay dài và gầy của cô, đi qua không gian rộng rãi của căn hộ vào phòng khách thoảng mùi thuốc lá đêm trước. Tại đây gã cúi xuống bật ti vi.

Giọng Iran từ phòng ngủ vọng ra. “Em không chịu được ti vi khi chưa ăn sáng.”

“Chọn 888 đi,” Rick nói khi ti vi đang nóng lên. “Mong muốn xem ti vi, bất kể trên đó đang chiếu gì.”

“Em không muốn chọn gì lúc này cả.”

“Vậy chọn số 3.”

“Em không thể chọn cài đặt kích thích vỏ não để đâm ra muốn chọn được! Nếu đã không muốn chọn, thì em không muốn chọn nhất là số đó, vì sau đó em sẽ muốn chọn, mà ngay lúc này thì muốn chọn là cái ý tưởng xa vời nhất em có thể tưởng tượng ra. Em chỉ muốn ngồi trên giường này nhìn sàn nhà.” Giọng cô trở nên sắc lạnh pha lẫn nét ảm đạm khi tâm hồn cô đông lại và cô ngừng cử động, khi làn sương bản năng tỏa khắp mang sức nặng to lớn - sức ì gần như tuyệt đối - bao trùm lên cô.

Gã tăng âm lượng ti vi, và giọng Buster Thân thiện ồm ồm vang đầy căn phòng. “… Hô hô, chào các bạn. Bây giờ là vài tin vắn về thời tiết. Vệ tinh Cầy Lỏn cho biết bụi phóng xạ sẽ đặc biệt dày đặc khi gần đến trưa, rồi sau đó loãng dần, nên nếu quý vị nào định phiêu lưu…”

Iran xuất hiện bên cạnh gã, chiếc váy ngủ dài của cô lả lướt sau lưng, cô tắt ti vi. “Thôi được, em đầu hàng. Em sẽ quay số. Bất cứ điều gì anh muốn. Khoái cảm tình dục ngất ngây - em cảm thấy tồi tệ đến mức có thể chịu đựng được cả cái đó. Mẹ nó chứ. Có khác gì đâu?”

“Anh sẽ quay cho cả hai,” Rick nói, rồi dẫn cô vào phòng ngủ. Ở đó, trên bảng điều khiển của cô, gã quay số 594: hài lòng thừa nhận trí tuệ vượt trội của người chồng trong mọi chuyện. Trên bảng điều khiển của gã, gã chọn thái độ sáng tạo và tươi mới khi bắt tay vào công việc, dù gã không thực sự cần. Đó là thái độ bẩm sinh, quen thuộc của gã, không cần sự kích thích giả tạo của máy Penfield lên não bộ.