Trong cuộc hành trình mới nhất của Nguồn cội, ta sẽ được theo chân giáo sư Langdon đến Tây Ban Nha, một đất nước không chỉ có những đội bóng giàu thành tích như Barcelona hay Real Madrid mà còn chứa đựng cả một nền văn hóa và lịch sử có mối liên hệ mạnh mẽ với Công giáo La Mã.
Một quốc gia với 46 di sản thế giới, xếp hàng thứ 3 sau Italy và Trung Quốc, trong đó nhiều di sản được xuất hiện làm bối cảnh cho cuốn sách này.
Edmond Kirch là một người theo thuyết vị lai, một thiên tài máy tính, một tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới không chỉ bởi khả năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dự đoán tương lai mà còn nhờ những phát ngôn và diễn thuyết mang tính bài tôn giáo.
Kirch là một trong những lứa sinh viên đầu tiên của Langdon cách đây 20 năm. Anh mời thầy giáo của mình đến bảo tàng Guggenheim Bilbao để chứng kiến cậu học trò cũ công bố một phát hiện được mô tả là “sẽ thay đổi bộ mặt khoa học mãi mãi, sẽ đập tan mọi nền tảng tôn giáo".
Buổi thuyết trình sẽ sáng tỏ hai câu hỏi về bản chất của loài người: “Chúng ta đến từ đâu” và “chúng ta đi về đâu”.
Sự kiện diễn ra giữa hàng trăm quan khách bỗng trở nên hỗn loạn. Edmond bị bắn ngay trong lúc đang diễn thuyết. Kẻ đứng đằng sau vụ ám sát tự xưng “Nhiếp Chính vương”, một nhân vật bí ẩn đầy quyền lực dường như nằm trong chính Hoàng gia Tây Ban Nha.
Vì muốn bảo vệ thành tựu của cậu học trò cũ, Langdon hợp tác cùng Ambra Vidal, giám đốc bảo tàng Guggenheim và cũng là hoàng hậu tương lai của Tây Ban Nha.
Cả hai được sự giúp đỡ của Winston - một trí tuệ nhân tạo (AI) do Edmond lập trình - để chạy trốn khỏi Bilbao. Họ lao vào cuộc hành trình tìm ra mật khẩu gồm 47 ký tự của Edmond để truy cập vào siêu máy tính của anh, qua đó kích hoạt lại video bài diễn thuyết về khám phá vĩ đại của anh cho toàn thế giới biết.
Nội dung cuốn sách xoay quanh việc trả lời hai câu hỏi về bản chất của con người, những tưởng phát hiện của Edmond sẽ phải chấn động lắm, tầm cỡ như việc chứng minh Trái Đất hình cầu hay Mặt Trời là trung tâm. Thế nhưng câu trả lời được Edmond đưa ra dường như không đạt kỳ vọng của độc giả.
Về câu hỏi “Chúng ta đến từ đâu”, thì đáp án của câu hỏi này thực ra không hề mới. Đây là một giả thuyết đã xuất hiện từ hơn 50 năm qua, những ai quan tâm đến các vấn đề khoa học đều ít nhiều nghe đến tên của thí nghiệm này.
Còn đáp án cho câu hỏi thứ hai "Chúng ta sẽ đi về đâu” lại khá đơn giản, chưa đủ sức thuyết phục.
Đọc sách của Dan Brown bạn sẽ vô cùng choáng ngợp trước vô vàn kiến thức về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật… Nguồn cội như một trang Wikipedia về đặc trưng văn hóa Tây Ban Nha.
Đầu mỗi cuốn sách, tác giả luôn khẳng định một câu đại ý "mọi kiến thức trong sách đều là thật". Nhưng khi đọc, người ta có cảm giác không tin tưởng lắm về các kiến thức khoa học, công nghệ trong sách này.
Thế nên một vài độc giả nói vui: “Đọc Dan Brown tin thôi đừng tin quá vì không biết bao nhiêu phần trăm những gì ông nói là sự thật". Chẳng phải CERN đã viết cả một cuốn sách để vạch ra những sai sót về “phản vật chất” trong cuốn Thiên thần và ác quỷ đó sao.
Có thể so với các cuốn khác cùng series, Nguồn cội không được đánh giá cao ở tính hành động, tính trinh thám. Tuy nhiên cách kể chuyện và vấn đề đặt ra trong truyện lại gây được ấn tượng mạnh.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, của smart phone, trí tuệ nhân tạo có tác động thế nào đến con người là một chủ đề khá hứng thú và tốn bao bút mực báo chí.
Có thể, khi đọc cuốn này, độc giả của Dan Brown sẽ kêu ca rằng ông đã xuống tay, không còn ở trên đỉnh cao phong độ. Việc lên - xuống, trồi - sụt, hoặc là phong độ đi ngang vốn là lẽ thường. Với mỗi nhà văn, chỉ cần có một đến 2 tác phẩm để đời đã là rất thành công rồi.
Như việc nhắc tới Happer Lee chỉ có To kill a Mockingbird, Conan Doyle được nhớ đến bởi Sherlock Holmes, hay J.K.Rowling nổi tiếng nhờ Harry Potter, và đỉnh cao Dan Brown có lẽ là Mật mã Da Vinci hay Thiên thần và Ác quỷ.
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Dan Brown":
- Pháo Đài Số
- Biểu Tượng Thất Truyền
- Điểm Dối Lừa
- Hỏa Ngục
- Mật Mã Da Vinci
- Nguồn Cội
- Thiên Thần Và Ác Quỷ