Câu hỏi đầu tiên mà bạn có thể bị hỏi bởi một người nào đó bạn gặp tại một bữa tiệc là “Vậy bạn làm nghề gì?”. Phụ thuôc vào sự ấn tượng của câu trả lời mà bạn đưa ra, người khác sẽ có mong muốn làm quen với bạn nhiều hơn, hay làm lơ với bạn. Chúng ta lo lắng, bởi ta đang sống trong một thế giới của những kẻ coi trọng địa vị xã hội, những người chỉ lấy “Công việc chuyên môn” - một khía cạnh nhỏ của một co người - và dùng chúng để đưa ra những nhận định tuyệt đối về giá trị của người khác. Đối nghịch với khái niệm “kẻ coi trọng địa vị” là mẹ của bạn. Bà không hề quan tâm tới địa vị của bạn, cái bà quan tâm là tâm hồn của bạn. Thế nhưng, không phải ai cũng là mẹ của bạn. Và đó là lý do vì sao chúng ta lại để tâm quá nhiều tới sự đánh giá của người khác và lo sợ sẽ bị bẽ mặt.
Có người nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại nặng về vật chất. Nhưng sự thật còn chua xót hơn thế. Chúng ta đang sống trong thời đại mà những phần thưởng về tinh thần phải nương vào việc có được của cải vật chất. Thứ mà người ta muốn khi họ chạy theo tiền, quyền chức hay xe đẹp hiếm khi là tiền, chức quyền, xe đẹp. Mà thường chỉ là sự chú ý, sự tôn trọng. Nếu như họ thích việc người ta tán thưởng những người giàu có về vật chất. Lần tới khi bạn nhìn thấy một anh chàng lái một chiếc xe Ferrari đi ngang qua, đừng nghĩ đó là một người có ham muốn khác thường. Hãy nghĩ rằng đó là một người cực kì dễ bị tổn thương và thiếu thốn tình cảm. Chúng ta cũng lo lắng bởi vì chúng ta luôn được bảo rằng mình có thể trở thành bất cứ thứ gì. Chúng ta nghe những điều đó từ những ngày đầu tiên sống trên đời.
Lẽ ra sẽ thật tuyệt khi xung quanh ta có quá nhiều cơ hội. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thất bại trong cái thế giới quá rộng lớn này? Sẽ ra sao nếu chúng ta không leo được lên tới đỉnh cao khi mà xung quanh có quá nhiều cơ hội? Khu vực sách “tự lực” của một nhà sách luôn được chất đầy bởi 2 loại sách tóm lược được tình trạng lo âu thời hiện đại. Loại đầu tiên sẽ có tiêu đề đại loại như: “Làm sao để thành công trong 15 phút” và “Trở thành triệu phú sau một đêm”. Loại thứ hai sẽ có tiêu đề như “Làm thế nào để đối phó với lòng tự trọng thấp”. Hai loại sách này đều có liên quan với nhau. Một xã hội luôn nói với nhau rằng họ có thể trở thành bất cứ thứ gì, trong khi sự thật là chỉ có một số nhỏ là có thể thành công, thì xã hội đó rồi sẽ kết thúc trong sự thất vọng và đau buồn.***
Trong đời sống hẳn ai cũng từng có nỗi lo lắng về địa vị, có thể là nỗi tự ti ngấm ngầm hay cảm giác thua thiệt; có thể là sự ghen tị hay mối lo bị thiên hạ coi như một kẻ thất bại. Dù xét trên bình diện nào, nỗi lo âu về địa vị vẫn luôn là chủ đề tươi mới, khi con người hoài mong và tìm kiếm cho mình một chỗ đứng giữa đồng loại. Con người dường như ngày càng nhiều nỗi lo âu hơn, khó thỏa mãn hơn, bất chấp sự phát triển nhanh chóng của nền kỹ nghệ và của xã hội tiêu dùng.
Để truy tìm căn nguyên, de Botton sử dụng lập luận dựa trên bốn địa hạt chính là Triết học, Tôn giáo, Chính trị và Nghệ thuật, nhưng không vì thế mà Nỗi lo âu về địa vị sa vào kinh viện. Có thể không phải là một chuyên luận chuẩn mực và thấu đáo về triết học hay xã hội học làm vừa lòng các bậc thức giả đạo mạo, nhưng cuốn sách vẫn có thể khiến độc giả choáng ngợp với lượng kiến thức đồ sộ được chuyển tải bằng văn phong lúc trang nhã cổ kính lúc thời thượng khôi hài.
Bằng một lối nhàn đàm đậm chất de Botton, Nỗi lo âu về địa vị là một cuốn sách mở ra nhiều cuốn sách.
“Một cuốn sổ tay hướng dẫn nghiêm túc nhưng cũng đầy khôi hài về cách sống.”
***
Alain de Botton
Sinh năm 1969 tại Zurich, Thụy Sĩ, hiện nay sống ở London. Ông là tác giả của nhiều tiểu luận và được gọi là tác giả của một “triết học về cuộc sống thường ngày”. Các chủ đề của ông có thể là: tình yêu, du lịch, kiến trúc hay văn chương. Các tác phẩm của ông từng trở thành bestseller tại hơn 30 nước.