…Sắc, giới là một câu chuyện đam mê dữ dội của tình yêu và gián điệp, trong bối cảnh Thượng Hải thời thế chiến II.
Giữa lúc quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc và Hồng Kông, hai sinh mệnh quyện chặt vào nhau: Vương Giai Chi, một nữ sinh viên hoạt động cho quân kháng chiến, và ngài Dị, một chính khách uy quyền làm việc cho chính quyền thân Nhật. Trong khi chơi trò chơi bí mật ngoại tình bên những bữa tiệc trà quý tộc Thượng Hải và công việc can dự vào chính trị đầy bất trắc với ý thức hệ của riêng mình, họ không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nhau, như thể đó là hai mặt của định mệnh. Được viết bằng giọng văn gợi cảm, tinh tế và đẫm không khí chính trị ngột thở, Sắc, giới vẽ nên một Thượng Hải thời những năm 1940 đầy ma mị làm nền cho một cuộc tình nhục cảm mang cái kết ngoài dự đoán.***
Những nhận xét về quyển sách:
“Một nhà văn viết hư cấu đặc biệt và gây sững sờ.”- New York Times Book Review
“Một bậc thầy về truyện ngắn… Thế giới của Trương Ái Linh là một nơi chốn khắc nghiệt và u uẩn nơi con người đấu tranh để tìm thấy lối trong tình yêu nhưng thường thất bại dưới áp lực gia đình, truyền thống và tập tục.”- The New Yorker
“Trương Ái Linh, một tiểu thuyết gia và cây bút truyện ngắn nổi tiếng - người đã mài sắc những nghiên cứu tâm lý đầy tinh tế và ngôn từ chuẩn xác - đã được ca ngợi như một bậc kỳ tài của văn học Trung Quốc hiện đại.”- New York Times
***
Trương Ái Linh (Eileen Chang) sinh ngày 30 tháng Chín năm 1920 tại Thượng Hải trong một gia đình dòng dõi quan lại nhà Thanh, tên thật là Trương Anh. Gia đình Ái Linh chuyển đến Thiên Tân năm 1922, nơi Ái Linh đi học vào năm lên bốn. Khi Ái Linh năm tuổi, mẹ cô bỏ đi Anh sau khi cha cô cưới một cô vợ lẽ. Sau đó ông lâm vào cảnh nghiện thuốc phiện.
Gia đình Ái Linh quay lại Thượng Hải năm 1928. Cô bắt đầu đọc Hồng Lâu Mộng khi mới tám tuổi. Hai năm sau, Trương lấy tên là Ái Linh và vào trường dòng nữ học. Ngay sau đó, mẹ cô trở về và và ly dị. Tuổi thơ bất hạnh của Ái Linh trong gia đình tan vỡ chắc chắn đã là nguyên nhân khiến cho các tác phẩm sau này có tâm thế bi quan. Năm 1932, cô viết cuốn truyện vừa đầu tay.
Ngay từ khi học trung học phổ thông cơ sở, Ái Linh đã thể hiện năng khiếu văn chương qua những tác phẩm được đăng trên tạp chí trường học. Năm 1938, sau một trận cãi nhau với mẹ kế và cha, cô bỏ nhà đến ở với mẹ. Năm sau, Ái Linh nhận được học bổng học tại Đại học London, nhưng cơ hội này bị bỏ lỡ do chiến tranh ở Trung Quốc. Vì vậy, cô theo học văn chương ở Đại học Hồng Kông. Chỉ một học kỳ sau, ngày 25 tháng Chạp năm 1941, Hồng Kông rơi vào tay Nhật Bản cho đến tận năm 1945.
Trương Ái Linh quay về Thượng Hải. Dự định ban đầu của cô là hoàn thành bằng đại học ở trường Đại học Saint John ở đây, nhưng việc học chỉ kéo dài được hai tháng. Thiếu tiền là một nguyên nhân khiến cô phải bỏ trường. Cô từ chối công việc dạy học hoặc làm biên tập viên, để tập trung vào việc cô làm tốt nhất - viết văn. Mùa xuân năm 1943, Ái Linh có một cuộc gặp định mệnh với biên tập viên và trở thành nhà văn được độc giả chú ý nhất ở Thượng Hải năm 1943-1944, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ. Hai tập sách gây tiếng vang là Truyện lãng mạn (1944) và Viết trong làn nước(1945). ***
Mặc dù trời vẫn trời còn sáng, ngọn đèn nóng hực chiếu xuống bàn mạt chược. Nhẫn kim cương lóe lấp lánh trên các bàn tay xoa lách cách những quân bài. Chiếc khăn trải, cột chặt ở bốn chân bàn, kéo thành một mảnh vải trắng xóa. Ánh đèn nhân tạo tôn lên đường cong đầy đặn của bộ ngực Chia-chih, và làm rõ gương mặt trái xoan thanh tú của nàng, mấy lọn tóc ơ thờ rơi trên vầng trán hẹp lại tăng thêm phần kiều diễm. Nàng có lối trang điểm kín đáo, nhẹ nhàng ngoại trừ vành môi cong tô đỏ bóng. Mái tóc nàng được vén hững hờ ra sau gáy, rồi buông lơi xuống bờ vai. Chiếc áo xường sám của nàng bằng hàng satin moiré xanh lam dàí tới gối, cổ áo chỉ cao vài phân, theo kiểu tây phương. Chiếc ghim cài cổ áo hòa hợp với đôi hoa tai ngọc bích cẩn kim cương.
Hai người đàn bà -- tai-tai -- ngồi bên trái và phải nàng đều mặc áo choàng len đen không tay, thân áo giữ hờ ở cồ nhờ một sợi dây chuyền vàng dầy nặng thò ra dưới bâu áo. Cách ly với thế giới vì bị quân Nhật chiềm đóng, Thượng Hải đã tự tạo ra vài kiểu thời trang. Trong những vùng bị chiếm đóng, giá vàng cao vọt nên các sợi dây chuyền dầy như thế rất đắc tiền. Tuy nhiên, nếu dùng thay thế cho nút áo cổ, chúng không có vẻ phô trương thô tục, do đó người mang chúng có cớ để trình diễn sự giàu sang của họ khi đi đây đó trong thành phố. Vì những lý do tuyệt diệu đó, áo choàng và dây chuyền vàng trở thành đồng phục ưa thích của các bà vợ các viên chức chính phủ bù nhìn Wang Ching-wei. Cũng có thể họ bắt chước Chungking, thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc, nơi đó áo choàng đen rất đuợc giới phụ nữ đài các phe chính khách thượng lưu ưa chuộng.