Nhân vật chính trong tự truyện Sống nhờ (1942) là Dần gọi thế bởi cậu sinh vào giờ Dần. Dần sống ở nông thôn, một làng quê tỉnh Hải Dương; mồ côi cha từ lúc chưa sinh, lên sáu tuổi mẹ đi lấy chồng. từ ấy, Dần sống với bà nội và với các cô chú bên nội: rồi lại chuyển sang bên ngoại, với ông bà và các cậu, dì. Một thế giới họ hàng gồm cả hai bên nội ngoại thật là đông đúc, nhưng Dẫn vẫn rất thiếu tình thương. Chỉ vài ba tình cảm hiếm hoi của một người cô, một người mợ và hai phía ông - bà không thể làm ấm lên được bao nhiêu bầu không khí lạnh lẽo bao lấy một đứa trẻ mồ côi. Giữa những mắng mỏ, hắt hủi, đánh đạp. Dần chỉ còn tìm được nguồn an ủi và chỗ dựa là bà nội - người cho đến tuổi già còm cõi, gần đất xa trời vẫn còn góp nhặt từng đồng cho Dần đi học, và cố đỡ vực cho một đại gia đình trong suy sụp vì những đứa con phá tán cơ nghiệp bởi cờ bạc và rượu chè.
“Sống nhờ” trong thế giới người thân, bị đun đẩy qua lại giữa hai bên nội ngoại, Dần từ nhỏ đã quen cảnh sống vất vưởng, lang thang. Lớn lên một chút, Dẫn cũng được đi học, cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, trước là ở trong làng, sau được gửi lên tỉnh. Nhưng thói quen lêu lổng và nỗi nhớ nhà khiến Dần chẳng thể nào chí thú trong việc kiếm chữ. Sao nhãng việc học, Dần tìm đến những đam mê của một tuổi trẻ cô đơn, buồn tẻ. Và, đến lúc mấp mé tuổi lớn, trong cảnh sa sút của gia đình và bao người thân lần lượt ra đi, Dần mới chợt giật mình thấy phải nuôi dần cái chí tự lập để thoát ra khỏi thân phận “sống nhờ”.
Trên mạch hồi ức của đứa trẻ từ tuổi lên sáu xa mẹ đến tuổi mười lăm chuẩn bị bước vào đời, luôn luôn in bóng hình ảnh người mẹ trong quyến luyến và cách xa.
Trên mạch hồi ức của đứa trẻ từ tuổi lên sáu xa mẹ đến tuổi mười lăm chuẩn bị bước vào đời, luôn luôn in bóng hình ảnh người mẹ trong quyến luyến và cách xa.
Đọc Sống nhờ để hiểu một tuổi thơ xót xa buồn khổ trong xã hội cũ. Xót xa không phải chỉ do tình cảnh mồ côi cha và mẹ đi lấy chồng. Mà vì cả một bối cảnh xã hội, do sự mưu sinh vất vả và sự mờ mịt của tương lai mà rất vắng thiếu tình yêu. Và để thấy, việc thay đổi trạng huống bơ vơ, buồn khổ, để cho mọi tuổi thơ được sống đầm ấm, êm vui dẫu có Cách mạng tháng Tám vĩ đại, vẫn không dễ chút nào.
Đọc Sống nhờ, để thương cảm và chia sẻ với biết bao tuổi thơ bất hạnh; và để mong mỏi cho mỗi tuổi thơ như thế có được một chỗ dựa, một ý chí vươn lên tự lập mà thoát ra khỏi cảnh “sống nhờ”, dưới bất cứ hình thức nào.
Cuốn sách là kết đọng mười năm tuổi thơ của một người giàu nhận xét, giàu xúc cảm - nhà văn Mạnh Phú Tư. Phải đọc vào truyện, phải soi vào mỗi trang chữ mới sống hết được các cảnh đời, mới cảm nhận được hết cái dư vị chua xót nhưng cũng đầy chất thơ trong một hồi tưởng và hình dùng, theo tôi nghĩ, khó ai đạt được sự sắc nét và thiết tha đến thế.
Sống nhờ, dẫu trong dạng tự truyện xen hồi ức, nhưng Mạnh Phú Tư vẫn rất biệt tài trong tạo dựng các cảnh đời và khắc họa các chân dung - từ những ông chú, bà cô, ông cậu, bà mợ và hai phía ông bà nội ngoại trong gia đình Dần, đến những ông thầy: thầy lang, thầy phù thủy, thầy đồ Nho đồ Tây, rồi các loại bạn bè từ bé đến lớn của Dần, trong đó có đến ba cô… người yêu, đều chưa vượt tuổi vị thành niên. Có thể nói, Mạnh Phú Tư đã giúp cho người đọc hiểu, không kém Ngô Tất Tố, Nam Cao về đời sống làng quê Việt Nam xưa, trong cả bề mặt và bề sâu các vấn đề xã hội, phong tục và tâm lý dường như nghìn năm không đổi của nó.
Đọc Sống nhờ từ tuổi bé, rồi nhiều lần đọc lại Sống nhờ qua các lứa tuổi, niềm hứng thú trong tôi gần như không giảm. Có thể nói đó là một trong số ít cuốn sách tiêu biểu và sáng giá của văn học hiện thực Việt Nam trước 1945. Cuốn sách viết về tuổi thơ, nhưng là để cho tất cả mọi lứa tuổi, tất cả những ai đã qua tuổi thơ cùng đọc.
Giáo sư Phong Lê