Sự Nghèo Nàn Của Thuyết Sử Luận

Tác giả : Karl Popper
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 81
  • Kích thước : 1.02 MB
  • Số trang : 205
  • Số lượt tải : 1
  • Read on mobile :

Với cuốn Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận, tác giả muốn chứng minh rằng thuyết sử luận là một phương pháp nghèo nàn - một phương pháp không đơm hoa kết trái. Karl R. Popper đã cố chỉ ra ý nghĩa của thuyết sử luận với tính chất một cấu trúc trí tuệ đầy quyến rũ. Ông đã phân tích cái logic của thứ chủ thuyết ấy - một thứ chủ thuyết nhiều khi rất tinh vi, rất hấp dẫn và rất xảo trá - và cũng đã cố lập luận rằng nó đang mắc phải một thứ bệnh cố hữu, vô phương cứu chữa.***

Karl R. Popper (1902-1994) là một nhà triết học, xã hội học, logic học người Áo. Ông được coi là một trong những triết gia vĩ đại nhất thế kỉ XX. Ban đầu, Karl R. Popper chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng logic, song ông cũng là một trong những người đầu tiên phê phán trường phái đó, và xây dựng trường phái triết học của riêng mình - chủ nghĩa duy lí phê phán.

Các tác phẩm chính của ông, gồm có:

Xã hội mở và kẻ thù của nó (1945),

Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (1957),

Logic của sự khám phá khoa học (1959),

Tri thức khách quan - một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa (1972)…***

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Trên tay bạn đọc là bản dịch tiếng Việt cuốn sách The Poverty of Historicism (Sự nghèo nàn của thuyết sử luận). Tác giả của nó là Karl Raimund Popper (28/07/1902, Wien, Áo - 17/09/1994, London, Anh), triết gia Anh, gốc Áo, nguyên giáo sư Viện Kinh Tế London, được đánh giá là một trong những triết gia có nhiều ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Như giới triết học đánh giá, ông đã đưa ra một thứ “triết lý phê phán không-biện-minh đầu tiên trong lịch sử triết học”. Tư tưởng triết học của ông bao trùm các lĩnh vực:

- Triết học khoa học với các tác phẩm Logic phát kiến khoa học (Logik der forschung, Wien, 1934), Phỏng định và Bác bỏ (Conjectures and refutation, 1953), Tri thức khách quan (Objective knowledge, 1972). Qua loạt tác phẩm này, ông phê phán gay gắt quan điểm duy nghiệm luận và cho rằng các lý thuyết khoa học về bản chất là trừu tượng, nên chỉ có thể trắc nghiệm chúng một cách gián tiếp thông qua sự quy chiếu với các hệ quả thực nghiệm của chúng. Tuy nhiên, Popper thừa nhận ông chỉ xây dựng một tri thức luận mới cho các khoa học thường nghiệm chứ không hề bác bỏ tính hợp thức và giá trị của những cách tiếp cận tự nhiên khác (như triết học, siêu hình học, phân tâm học.v..v.).

- Triết học chính trị và xã hội với các tác phẩm Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (The poverty of historicism, 1936, 1957), và Xã hội mở và những kẻ thù của nó (The open society and its enemies, 1945). Ở đây, Popper chủ yếu tập trung phê phán các ông gọi là thuyết sử luận hoặc là quan điểm duy vật lịch sử (historicism) và những lý thuyết chính trị được xây dựng trên cơ sở quan điểm đó, đồng thời đưa ra một cái nhìn bất định (indeterminist) về thế giới. Thay vào thuyết sử luận, Popper đề xướng một triết lý căn bản trên nền tảng thuyết bất định, phù hợp với quan điểm tri thức luận của ông, theo đó tri thức tiến bộ thông qua quá trình thử và loại bỏ sai lầm: để giải quyết một vấn đề người ta phải đề xuất nhiều giải pháp mang tính giả thuyết rồi mang ra thử và loại bỏ những sai lầm.

- Về tiến hóa và chức năng của ngôn ngữ: Karl Popper không những quan tâm tới triết học khoa học, triết học chính trị mà còn đưa ra nhiều quan điểm hết sức độc đáo và sâu sắc về thuyết tiến hóa, về logic học, về nghiên cứu ngôn ngữ và nhiều lĩnh vực tư tưởng khác. Những ý niệm về các lĩnh vực đó được trình bày rải rác trong các tác phẩm lớn nói trên và trong các tác phẩm khác như Quantum theory and the Schism in physics (1956/57), Realism and the aim of science (1956/57), Unended quest: an intellectual autobiography (1976),...

Năm 2012, thế giới kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Karl Popper, cũng là lúc chúng ta tìm hiểu kỹ hơn về di sản triết học của ông. Mặc dù có không ít ý kiến phê phán các quan điểm của Popper nhưng ảnh hưởng của ông là rất rõ nét đối với các trào lưu triết học phương Tây trong thế kỷ XX và cho đến hiện nay. Chúng tôi xin lưu ý bạn đọc rằng đây là sách tham khảo, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Để đảm bảo tính khách quan cũng như sự tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng tôi xin được giới thiệu đầy đủ bản dịch đến bạn đọc. Rất mong bạn đọc cân nhắc khi tiếp nhận quan điểm của các tác giả với tinh thần phê phán cần thiết.

Bản in này chúng tôi đặc biệt dành để tưởng nhớ đến dịch giả Chu Lan Đình (1942 - 2012) vì sự trân trọng và cẩn trọng của ông với từng chữ, từng ý tưởng của tác giả.