Ông Tư thức dậy sớm ra vườn tưới cam như thường lệ. Ông đã chăm chút mấy chùm cam trổi từ mươi bữa naỵ Ông dựng chiếc gàu mo vào gốc cam và ngước nhìn lên. Kiến vàng bỏ ổ trống bộn vì kiến hôi. Lũ bất lương này từ đâu đến phá tán làm đồng loại tan cửa nát nhà. Ông oằn nhánh xuống bẻ chùm trái ửng dạ, nghiêng qua lật lại xem xét. Kiến vàng thưa thì cam sẽ ít nước và chai dần. Phải đánh đuổi chúng nó đi thì vườn cam mới tốt được.
Ông Tư tưới xong, đem cam vào nhà thì Minh cũng vừa thức dậy. Đêm qua nó với thằng Bảo, hai anh em đi cắm câu được cặp cá lóc cháo. Ông Tư bảo con:
- Con đem cam với cá biếu cho thầy Tám trước khi nhập trường.
Thằng Bảo đang ngủ, nghe nói, ngồi bật dậy, phóng xuống đất:
- Để con dẫn ảnh đi đường tắt cho mau
Thằng Bảo định lấy sợi dây lạt cà bắp xỏ mang cá còn Mình cầm mấy trái cam, nhưng ông Tư bảo:
- Món gì biếu cho thầy cũng phải ngon lành và trang trọng. Cam thì để trong rổ cho khỏi dập, còn cá thì bỏ trong giỏ đàng hoàng. Vậy mới phải lễ của trò đối với thầy. Con nên nhớ câu: Không thầy đố mầy làm nên nghe con! Hồi ba đi chọc chữ Nho, ông nội con luôn luôn nhắc nhở câu "Quân Sư Phụ".
Bà Tư bắt thêm cặp trê vàng mọng và xúc một quả nếp trắng, đặt mấy quả cam vào rồi dặn Minh:
- Con bưng cam và nếp. Để thằng Bảo xách giỏ cá. Nó mà bưng nếp thì tới đó không còn một hột.
Thế là anh em khởi hành.
Thầy Tám dạy trường xóm. Trường của thầy cứ dời chỗ luôn. Có khi là chái nhà của cha mẹ học trò hảo tâm. Có khi chỉ là cái chòi trống của nhà giàu để dành chất củi. Chỗ nào không dột, nắng không chói, đủ lót cái bàn hoặc bộ ván thì đó có thể là nơi dạy học của thầy. Thầy không học trường sư phạm, nhưng cả trăm trẻ con trong xóm đứa trước, đứa sau đều đến đây thọ giáo. Nhiều đứa đã vô trường làng, lên trường quận, trường tỉnh, trong số đó có Minh.
Thầy dạy suốt năm không bải trường, không hạn chế tuổi học trò, không có lớp riêng biệt. Đứa nào đến, thầy tùy trình đột mà dạy, từ a, b, c đến toán nhơn một con, toán chia hai con. Mười đứa mười lớp, không đứa nào học giống đứa nào.
Tiền công của thầy được cha mẹ học trò quy định là một đồng một tháng, nhưng có nhiều người đền ơn thầy hai, ba cắc, còn lại thì đem bầu bí, gạo nếp, cá mắm bù vào. Thầy Tám vui lòng nhận tất cả, không kèo nài.
Thầy dạy ở xóm lâu lắm, không ai nhớ được mấy chục năm. Có gia đình cha học chữ của thầy rồi con cũng học chữ của thầy, nói gì anh em như Minh và Bảo.
Vừa đi, Minh hỏi em:
- Mấy giờ thầy lên lớp?
- Tụi em tới chừng nào thầy dạy chừng đó. Khi ở nhà có chuyện, cha mẹ tới kêu con về, xong việc trở lại học tiếp.
Minh sực nhớ ra hồi trước mình cũng vậy. Cứ tới học, chừng nào thuộc thì thầy phóng bài mới chớ đây có "thời dụng biểu", giờ nào bài nấy như trường nhà nước.
Bảo dắt anh đi len lỏi qua hè nhà bà bảy, người đạo Cao Đào, thường mua núm mối của Bảo, băng ngang vườn ông Hai Nghi đạo Thiên Chúa, xẹt qua trước cửa nhà ông Tám Kỳ, chuyền trên đầu bụp lá qua xẻo nhỏ ông Bộ v.v... toàn những đoạn đường mới trong vườn do lũ học trò mở mang để đi ngang về tắt cho mau.
Ở tỉnh, mang guốc trên mặt đường tráng nhựa, vừa đi vừa hút gió nhạc Tây khoẻ ru, bàn chân không khi nào bị vấp. Còn ở đây, mặt đất đầy lỗ chân trâu, đầu bập lá nhọn như gươm, cũng phải bước lên. Nhiều khi phải đi cầy độc mộc, chạy vụ qua thân cây cau bắc ngang mương (nếu đi chậm sẽ té), có quãng lại phải lách mình qua kẹt lá, bường tới... Con đường ngoằn ngoèo này Bảo thuộc lòng và đi nhanh như gió, làm anh nó bước theo mướt mồ hôi.
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Xuân Vũ":
- Quê Nội, Quê Ngoại
- Tấm Lụa Đào
- Buồng Cau Trổ Ngược
- Cô Ba Trà
- Dưới Bóng Dừa Xanh