Buổi sớm mai tôi quăng lưới xuống biển. Từ vũng sâu đen ngòm tôi kéo lên vô số vật với hình thù và vẻ đẹp lạ kỳ - có vật rạng rỡ như nụ cười, có vật long lanh như giọt lệ và có vật ửng hồng như má cô dâu.
Chiều đến, gánh nặng trên vai, tôi về nhà; người yêu tôi đang ngồi trong vườn thẩn thờ xé nhỏ từng cánh hoa tươi. Tôi ngại ngần giây lát, rồi đặt xuống chân nàng những vật bắt được, đoạn đứng lặng im. Nàng đưa mắt nhìn rồi nói: "Những vật này kỳ lạ thật? Em chẳng hiểu chúng dùng để làm gì?"
Ngượng ngùng, tôi cuối đầu thầm nghĩ: "Mình đã không tốn công lao để có những thứ này, mình đã không bỏ tiền ra mua chúng ngoài chợ; chúng chẳng phải quà tặng thích hợp dành cho nàng".
Thế rồi suốt đêm thâu tôi đêm từng cái, từng cái ném ra ngoài đường. Buổi sáng du khách đi qua; họ nhặt tất cả rồi mang về những miền xa xôi.***
Rabindranath Tagore (1861 - 1941)
Đông Tây đề huề là một trong những đề tài chính yếu của các văn phẩm của ông. Tagore lên án chủ nghĩa quốc gia thường hay đi đến chỗ cực đoan và trở thành một thứ “tôn sùng ác quỷ”; ông hô hào tinh thần hợp tác giữa mọi chủng tộc trong sự tôn trọng các dị biệt thiết yếu khả dĩ phát huy được trọn vẹn tính như nhất của nhân loại, chẳng phải trong sự đồng nhất mà là trong sự hòa đồng. Ông thành thật triệt để tôn trọng các đặc tính của từng dân tộc, của từng tín ngưỡng: tuy nhiên ông không thể không gán cho Ấn Độ một tinh thần ưu nhiệm ở Á Đông nói chung, một vai trò hơn hẳn vai trò mà ông dành cho Tây phương, thừa nhận ưu thế của Tây phương trên các đại hạt khoa học và kỹ thuật, nhưng khẳng định chỉ có Đông phương mới thấu triệt được ý nghĩa chân chính về Thượng đế. Và để lên án chế độ tôn giáo pha chính trị của Ấn Độ giáo đã duy trì cảnh sống lầm than hàng bao thế kỷ nay trên đất Ấn, ngay cả Tagore cũng không tìm ra những lời lẽ tàn nhẫn hơn là những lời lẽ ông từng quất vào mặt cái Âu Châu “thích ăn thịt và ăn thịt người không biết hôi tanh” kia, với những tội ác tày trời của chủ nghĩa thực dân của nó, “rút xương tủy các dân tộc khác và cố tình nhận chìm tương lai của họ”. Chống lại chủ nghĩa quốc gia chính trị, nhưng Tagore lại vô cùng tha thiết với một thứ chủ nghĩa quốc gia huyền bí còn tham vọng gấp mấy; cũng như Vivekânanda, cũng như Ấn Độ, là thể hiện sự hòa đồng của tâm hồn con người với tâm hồn tối thượng của thế giới; cũng như Aurobindo Ghose, ông tin ở “sứ mạng của tâm hồn con người đối với vũ trụ”.