Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ
***
Phàm là một người ham mê lịch sử và văn chương, cầm cuốn sách này khó có thể dứt ra được. Rất giống cảm giác thuở học trò đọc Tam quốc diễn nghĩa hay Thủy hử, bạn sẽ bị cuốn sách lôi cuốn ngay cả khi đang ăn hay trước lúc đi ngủ. Sẽ rất nhiều người mải theo cách dẫn dắt của tác giả mà quên khuấy cả giấc ngủ trưa, thậm chí cho qua cả một đêm trắng.
Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh mô phỏng cách viết chương hồi của La Quán Trung, Thi Nại Am và những tiểu thuyết gia Trung Quốc xưa, một cách kể chuyện như lùa người đọc vào hết mê hồn trận này đến những bí sử kia, mang đến cho người đọc cái không gian, thời gian, những sự kiện lịch sử, những chân dung tiêu biểu… làm nên gương mặt xã hội Việt Nam đầy biến động và bi thương, hiển hách và bi tráng suốt nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Lê Đình Danh viết về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ với một bối cảnh rộng lớn hơn, đặt các nhân vật của Tây Sơn trong mối quan hệ trực diện, đối nghịch, một mất một còn với chúa Nguyễn Đàng Trong, chúa Trịnh Đàng Ngoài và Vương quốc Đại Thanh thời vua Càn Long hùng mạnh.
Tây Sơn bi hùng truyện thu hút người đọc không chỉ ở tư liệu lịch sử phong phú, kiến văn dồi dào, mà còn ở bút pháp dựng truyện, xây dựng nhân vật khá thành công. Ngoài hai nhân vật Nguyễn Huệ, Nguyễn Phúc Ánh, hàng loạt các nhân vật thuộc các phe Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn và cả các tướng Mãn Thanh đều được tác giả phác họa khi thì bằng một vài chi tiết đặc sắc, khi kỳ công dẫn dắt qua hàng loạt các sự kiện, mối quan hệ đan xen phức tạp, ví như các nhân vật Ngô Thì Nhậm, Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm, Võ Tánh, Bùi Đắc Tuyên, Lê Văn Duyệt, Đặng Trần Thường, Vũ Tâm Can v.v…
Đọc sách, mà như được xem một cuốn phim lịch sử đầy bi thương hùng tráng, được xúc động, yêu thương với người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Nhà văn Hoàng Minh Tường