Tôi, Cha Và Em

Thể loại: Tôn Giáo - Tâm Linh
Tác giả : Khôi Hoàng
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 10
  • Kích thước : 4.19 MB
  • Số trang : 541
  • Số lượt tải : 3
  • Read on mobile :

Nếu ta quan sát thân mình đủ lâu, đủ kỹ thì ta có thể thấy được cơ thể ta là một cỗ máy tinh vi nhưng cũng vô cùng kỳ diệu. Nó có thể vớ lấy bất kì điều gì ở bên ngoài ta mà nó thấy được, nghe được hay sờ được trong chưa đầy một khoảnh khắc tích tắc để tạo nên sự hiện hữu của bản thân ta ở trong môi trường xã hội. Và đó chính là cái tôi hay cái ngã mà chúng ta thường gọi.

Có một quan điểm mà người đời thường nhầm lẫn hay chưa hiểu được, đó là sự giác ngộ thì sẽ đưa đến trạng thái vô ngã hay không còn cái ngã. Tuy nhiên, sự thực thì chưa bao giờ là như vậy bởi vì ngã chính là sự tồn tại riêng biệt, và một khi ta còn cơ thể dạng nào đi nữa, dù là chất hay là khí thì cái ngã vẫn luôn tồn tại. Chỉ khi ta thoát khỏi mọi thể xác hay hình hài, trở lại là ý thức thuần túy hòa nhất với vũ trụ và Thượng Đế, quay về trạng thái thức mà không thức thì cái ngã mới hoàn toàn biến mất.

Như vậy, diệt ngã hay vô ngã là khái niệm có mà không có, vì khi ta suy nghĩ nửa chữ thì cái tôi đã được tạo thành, lúc ta nói ra nửa lời thì cái ngã cũng đã nên hình. Và dù cho ta im lặng không có một phản ứng gì thì đây cũng chỉ là một dạng ngã, là cái ngã không nghĩ không suy trước sự đời luôn thay đổi, là một sự hiện hữu để người đời có thể nhìn thấy và truy cầu với một sự huyễn tưởng vô thức rằng mình sẽ tốt hơn nếu đạt được giống vậy.

Thế nên, giác ngộ chỉ đơn giản là một trạng thái ý thức đủ cao, đủ hiểu để nhìn thấu tỏ mọi khía cạnh của bản thân, để ta có thể chơi với cái tôi của mình như những cục đất sét. Nếu ta chưa biết công dụng của cục đất sét là gì thì ta đơn giản chỉ biết cầm nó và ném vào người khác, rồi người khác cũng lấy của họ để ném lại ta và thế mà chúng ta tạo ra đau khổ cho nhau. Còn khi ta đã hiểu được tính chất của đất sét là gì, ta sẽ nhào nặn nó thành muôn hình hài và thể trạng với sự tưởng tượng của mình, để ta có thể tạo ra niềm vui và giúp ta thích ứng với bất kì môi trường nào mà không còn phải đấu tranh hay chống đối với bên ngoài.

Nói một cách khác, giác ngộ có thể xem là trạng thái vạn ngã với vô kể khuôn mặt và muôn ngàn cánh tay, để ta có thể trở thành bất kì ai và làm nên bất kì điều gì. Hay đó cũng chính là ta đã chấp nhận được tất cả mọi người ở bên ngoài, an nhiên với mọi hoàn cảnh của cuộc sống và thế mà giúp ta thoát khỏi được bể khổ của trần gian. Và nếu người đời chưa hiểu được thì họ sẽ cho ta là kẻ hai mặt, đạo đức giả hay không có chính kiến.

Nghe đến cái tôi thì ta thường chỉ nghĩ đến những điều xấu xa, những thứ tiêu cực mà không để ý rằng mọi cái thì luôn sở hữu hai mặt trái và phải. Và sự sợ hãi mà luôn song hành cùng cái tôi thì cũng không ngoại lệ, ngoài những cảm giác sợ hãi mà ta thường xem là tiêu cực như tức giận, buồn bã, ghen tị… thì vẫn còn những cung bậc khác mà tạo nên những điều xinh đẹp như ngại ngùng, e thẹn, bối rối… Bởi vậy, nếu không có cái tôi thì không có cái gọi là lãng mạn, nếu không có cái ngã thì không có cái gọi là thi vị. Lúc đó, tình yêu sẽ trở nên trần trụi, thế giới sẽ trở nên đơn điệu và cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ.

Vậy nên, không ai là không có cái tôi cả, dù cho là Tiên là Phật đi chăng nữa. Vì khi đã có hình hài cơ thể, đã tồn tại ở trong một môi trường thì đều cần phải có những khái niệm ở trong tư duy của mình, nếu không thì Phật cũng chỉ là một người điên đi ra đường với không mảnh vải che thân. Và khi đã có một khái niệm nào ở trong đầu thì ta sẽ sinh ra cái chấp ở bên trong, để ta có thể hòa nhập với xã hội xung quanh. Tuy nhiên điều này thì khác biệt đối với những ai đã giác ngộ, bởi họ sẽ luôn ý thức được mọi cái chấp bên trong mình, luôn biết rằng mình có thể linh hoạt và thay đổi chúng ở bất kể lúc nào và nơi đâu để không gây ra sợ hãi cho bản thân cũng như người khác.

Chữ “Duyên” thì cũng giống như vậy, là một vẻ đẹp, một sự kỳ diệu của vũ trụ nhưng cũng có thể trở thành một điều xấu xa khi cái ngã của ta đã dùng nó để tạo nên sự hiện hữu riêng biệt của bản thân ta, hay đó chính là khi ta đã chấp vào chữ “Duyên”.

Khi ta nghe đến hai chữ bám chấp thì cũng giống như khi ta nghe đến hai chữ cái tôi vậy, đó là ta chỉ liên tưởng đến những điều tiêu cực trong cuộc sống mà không thấy rằng sự bám chấp cũng tạo ra hạnh phúc, hay chính là niềm vui có điều kiện.

Lúc ta còn bé, khi cái đầu còn chưa có khái niệm gì về chữ “Duyên” thì ta thường chỉ có chút ngạc nhiên trước những sự trùng hợp trong cuộc sống. Nhưng đến khi ta biết chữ “Duyên” rồi, biết về khái niệm sắp đặt hay hấp dẫn của vũ trụ thì ta bắt đầu cảm thấy niềm vui trong người khi sự tình cờ nào đó xảy ra với ta. Và đây là khi ta đã chấp vào chữ “Duyên” để tạo nên cái tôi tâm linh của mình, để tạo ra hạnh phúc trong người vì ta vô thức nghĩ rằng mình đặc biệt và được yêu thương bởi ai đó bên ngoài, cụ thể là vũ trụ hay Thượng Đế qua những sự việc được an bài ở trong cuộc sống.

Và như bao điều khác thì duyên cũng có hai kiểu, một là duyên sắp đặt và hai là duyên ngẫu nhiên. Duyên sắp đặt là những điều xảy ra trong cuộc sống mà dựa trên kế hoạch ta đã định ra trước khi vào sống một kiếp người, còn duyên ngẫu nhiên chỉ là những điều tình cờ không có ý nghĩa hay tác dụng gì đối với bản thân ta. Bởi vậy, khi cái tôi tâm linh của ta đã trở nên trương phình thì ta dễ dàng suy diễn và gán ghép ý nghĩa cho mọi điều trùng hợp ở trong cuộc sống, khiến cho ta mở miệng hay viết chữ câu nào câu nấy thì cũng đều không thiếu chữ duyên. Để rồi ta cảm thấy hạnh phúc trong người mà không ngờ rằng niềm vui có điều kiện thì sau cùng sẽ đưa ta đi đến một con đường cụt của sự sợ hãi, bởi vì hai chữ bám chấp thì luôn song hành với hai chữ kỳ vọng, và khi kỳ vọng không được đáp ứng thì đau buồn sẽ là điều khó tránh khỏi.

Rồi ở cuối con đường cụt này, ngồi co ro ôm mình trong lạnh lẽo ta mới nhận ra được cái ngã của mình với sự bám chấp bên trong để mà gỡ đi. Nhưng hỡi ôi đâu phải ai cũng tự mình nhận ra được, mà phản ứng thông thường của người đời là họ sẽ đổ lỗi cho trời đẩy sai cho đất là tại sao đưa đến cho họ niềm vui rồi lại đạp đổ nó, trong khi niềm vui này là do họ tự tạo nên với niềm tin và sự kỳ vọng vô thức ở bên trong mình.

Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Khôi Hoàng":