Victor Hugo (26 tháng 2, 1802 tại Besançon - 22 tháng 5, 1885 tại Paris ) có thể được xem như là cây đại thụ, là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thế kỷ XIX. Ông là một nghệ sĩ toàn diện sáng tác đủ cả ba thể loại: thơ, kịch, tiểu thuyết. Ông cũng là một nhà văn dấn thân, một nhà chính trị tự do đã hoạt động phục vụ những lí tưởng nhân đạo cao cả..
Tài năng sớm nảy nở:
Victor Hugo là con của một tướng lĩnh quân đội sau thắng lợi của cuộc đại Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789. Mẹ ông là một phụ nữ trí thức còn mang nặng tư tưởng bảo hoàng. Ông sinh năm 1802 ở Besançon ( sau này ông viết bài thơ "Thế kỉ này được hai năm" ). Thời niên thiếu, ông thường đi thăm cha đóng quân ở nhiều nước Châu Âu. Sau khi đỗ tú tài, chàng trai Hugo chuẩn bị vào học trường Đại học Kỹ thuật, nhưng những sáng tác văn học thành công đầu tiên làm ông chóng quên dự định đó. Tài năng của Hugo bộc lộ sớm, mười lăm tuổi đoạt giải thưởng thơ của Viện Hàn lâm Tuludơ, hai mươi tuổi ông in tập thơ đầu tiên. Ông muốn "trở nên Satobơriăng hay chẳng là gì cả". Nhà văn lãng mạn lừng danh này là thần tượng của giới trẻ và V.Hugo thời đó.
Sự dấn thân sôi nổi:
Những diễn biến cách mạng liên tục ở Pháp cuối thế kỷ XIX đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Hugo. Sau cách mạng 07/18301, ông tập hợp nhiều nghệ sĩ trong Tao đàn lãng mạn; họ hoan nghênh ông đã xuất bản vở kịch Crômoen ( 1827 ) với lời tựa nổi tiếng đã tổ chức công diễn thành công vở kịch Hecnani ( 1830 ) trong bốn mươi lăm đêm liền, được gọi là "trận chiến Hecnani". Ông trở thành chủ soái của trường phái lãng mạn chống lại chủ nghĩa cổ điển 2. Từ đó, ông đã hăng hái sáng tác nhiều thơ, kịch và tiểu thuyết.
Năm 1841, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp. Vài năm sau, ông đau buồn vì mất đứa con gái đầu lòng vì tai nạn. Ông lao vào hoạt động chính trị, tha thiết với lý tưởng cộng hoà và xã hội. Được bầu là nghị sĩ Quốc hội, ông lên tiếng bảo vệ người nghèo và chống lại âm mưu lật đổ chế độ cộng hoà của Louis Bonapard, cháu của Napoleon III. Hugo tổ chức kháng chiến một thời gian, sau đó chốn sang Bỉ, rồi phải sống lưu vong hơn mười lăm năm 3 trên những hòn đảo Giecxây và Giecnơxay của nước Anh. Ông viết nhiều kiệt tác lưu hành khắp Châu Âu.
Năm 1870 khi Đế Chế II sụp đổ, Hugo trở về nước và được dân chúng đón tiếp nồng nhiệt. Năm 1871, Công xã Pari 4 nổ ra và tồn tại được 72 ngày. Hugo dũng cảm bênh bực những người công xã bị đàn áp, tù đày. Ông tiếp tục viết cho đến cuối đời. Ông mất năm 1885, được nhà nước làm lễ quốc tang và đưa thi hài vào điện Pangteon, nơi dành cho các danh nhân của nước Pháp.
Tác phẩm đồ sộ:
Hugo sáng tác hơn mười lăm ngàn câu thơ, nhiều vở kịch và tiểu thuyết dài.
Thơ có các tập thơ trữ tình: Những bài thơ phương Đông (1829), Lá mùa thu (1831), Những tiếng nói bên trong (1837), Mặc tưởng (1856); thơ trào phúng: Trừng phạt (1853); thơ hùng ca: Truyền kì các thời đại (1859, 1876, 1883)...
Kịch có: Hecnani (1820), Ruy Bơla (1838)...
Tiểu thuyết có: Nhà thờ Đức bà Pari (1831), Những người khốn khổ (1862), Những người lao động của biển cả (1866)...
Hugo là một nhà thơ lớn. Ông thể hiện chủ nghĩa trữ tình của trường phái lãng mạn, đạt tới đỉnh cao với các tập thơ Lá mùa thu, Mặc tưởng. Mục đích của mhà thơ là "trở nên dội tiếng âm vang" của tất cả những khát vọng và những xúc cảm của con người thời đại mình. Theo ông, cuộc đời chúng ta có ba phương diện: "gia đình, đồng ruộng và đường phố". "Gia đình là trái tim chúng ta, đồng ruộng là thiên nhiên nói với chúng ta, đường phố là qua tiếng roi quật nhau của các đảng phái mà nổi lên cơn bão táp của những sự kiện chính trị ( tựa Những tiếng nói bên trong ). Ông khuyến cáo người cùng thời lắng nghe ba tiếng nói đó.
Hugo là nhà tiểu thuyết đặc biệt quan tâm đến những vấn đề xã hội. Ông cho rằng con người đau khổ vì những tình trạng không hoàn thiện của mình. Và lịch sử của con người là lịch sử của cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Ông tin tưởng vào sự tiến bộ, khoa học và tự do, sức mạnh của cái thiện sẽ chiến thắng. Sự tiến bộ và khoa học là nhằm cải thiện điều kiện sống của những con người bất hạnh. Cần chấm dứt ngay việc khinh rẻ họ và cần phải giúp đỡ họ, giáo dục họ. Nhân vật Jan Vanjan, người tù khổ sai ( trong Những người khốn khổ ) là sự minh hoạ cho lý thuyết này: Kẻ tội phạm bi quan và cay đắng vì sự hung bạo của con người, nhưng anh ta sẽ được cứu vớt, sẽ hoàn lương nhờ sự rộng lượng của ai có lòng yêu thương tuyệt đối.
Tuy nhiên, tác phẩm của ông cũng thấm đậm không ít những vẫn đề siêu hình. Con người lo âu trong việc tìm cách giải quyết điều bí mật của số phận. Hugo giải thích là cần phải tin vào một bậc Thượng đế 5 khác với thế gian.
Nghệ thuật mới đa dạng:
Hugo ý thức về chức năng của nhà thơ với nghĩa rộng là người sáng tạo một tác phẩm có một chức năng xã hội chân chính, một sứ mệnh giáo dục con người. Ông đánh giá nhà thơ phải là một người hướng dẫn cho nhân loại, một đạo sĩ ( còn gọi là một thầy pháp ) thực hành tạo nên ma lực của ngôn từ. Ông so sánh với ngôn từ, từ ngữ giống như những sinh mệnh, những cỗ máy vận hành tư tưởng của con người đi xa. Theo ông, ai làm chủ được ngôn từ là một sinh linh ngoại lệ có thể nhìn thấy xa hơn những người khác và nói với họ chân lí ở nơi đâu.
Về thơ, ông đạt đến nghệ thuật sáng tạo hình ảnh tuyệt vời với một trí tưởng tượng phong phú. Ông còn là một hoạ sĩ để lại hơn ba ngàn bức tranh vẽ những nơi chốn mà ông đã nhìn ngắm hoặc ghi nhớ. Nhờ đó mà ý tưởng, tứ thơ biến thành hình ảnh một cách tự nhiên trong thơ ông. Ông sử dụng nhạc điệu và gieo vần rất đa dạng qua từng khổ thơ gây ấn tượng mạnh mẽ. Bên cạnh âm điệu trữ tình còn có âm điệu trào phúng và âm điệu hùng ca.
Về kịch, ông đã sử dụng nghệ thuật tương phản, một biện pháp tu từ qua những cặp nhân vật song hành thể hiện yếu tố trác việt và yếu tố thô kệch, cái cao cả và cái thấp hèn, thiện và ác. Ông bỏ hai quy tắc duy nhất thời gian và duy nhất địa điểm và chỉ giữ lại quy tắc duy nhất hành động. Từ đó mà ông đã viết những vở chính kịch lãng mạn trộn lẫn cái bi và cái hài, không phân chia rạch ròi bi kịch và hài kịch như kịch cổ điển chủ nghĩa.
Về tiểu thuyết, nghệ thuật của Hugo đổi mới, rất đa dạng. Ông phát huy trí tưởng tượng để hư cấu cốt truyện đồng thời sử dụng nhiều chi tiết, nhiều tình tiết cụ thể từ đời sống thực tế để xây dựng các nhân vật. Một số nhân vật trung tâm là nhân vật lãng mạn vì tính cách nhân vật diễn tiến theo ý định chủ quan của nhà văn. Kết cấu tiểu thuyết rất chặt chẽ trong từng chương, từng quyển và toàn bộ tác phẩm, thường tạo nên sự bất ngờ, hấp dẫn. Văn xuôi đầy chất thơ tuy đôi lúc có phần khoa trương, bộc lộ khát vọng chân thành của Hugo.
Chú thích: (1) Cách mạng 07/1830: Cuộc cách mạng lật đổ chế độ Phong kiến phục hồi trong 15 năm sau khi Napoleon I thất bại ( 1815 - 1830 ) (2) Chủ nghĩa cổ điển: Trào lưu văn học lớn ở Pháp trong thế kỉ XVII. (3) Có tài liệu ghi là 19 năm. Trong "Mười thế kỉ văn chương Pháp" của Pie Đơxuyxo ( NXB Bôđa, Pari ) ghi là 15 năm ( tập 3 - trang 41 ) (4) Cuộc cách mạng vô sản đầu tiên của nhân dân lao động Pháp thành lập chính quyền gọi là Công xã Pari. (5) Quan niệm về Chúa trời của V.Hugo thường có tính chất là một Thượng đế, một bậc Cao xanh hay là Trời thể hiện trí tuệ toàn năng của tự nhiên.
Theo "Văn học 11 - tập II" - NXB Giáo dục 2000
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Victor Hugo":
- Nhà Thờ Đức Bà Paris
- Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù
- Những Người Khốn Khổ
- Chín Mươi Ba
- Chú Bé Thành Paris
- Thằng Cười
- Tử Tù Claude Gueux
- Tuyển Tập Thơ Victor Hugo