"Nếu chỉ có một năm để sống" bạn sẽ làm gì? Ðây có thể là đề tài một cuốn phim hồi hộp, một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn hay một tác phẩm văn học phân tâm. Nhất Linh chọn giải pháp thứ ba: Bướm Trắng là một ăng-kết của Trương về bản ngã mình. Trương bị lao và bác sĩ cho biết chàng chỉ có thể sống được một năm nữa là cùng. Nhất Linh đem máy ghi âm đặt vào óc Trương để ghi lại những ý nghĩ, những phản ứng của Trương từ khi biết mình chỉ còn một thời gian sống nhất định.
Phản ứng đầu tiên của Trương là sẽ ghi vào sổ nhật ký, ngày 21/2: Hôm nay mình chết (Bướm Trắng, NXB Ðời Nay tái bản, 1970, trang 34). Ðó là cái chết đầu tiên, sau khi biết mình sắp chết, cái chết này biểu hiện tính cách hóa thân của hai từ Bướm Trắng và đưa Trương vào đoạn đời thứ nhì, đoạn đời mà Trương quyết định rằng từ nay "chàng sẽ nếm đủ các khoái lạc ở đời, chàng sẽ sống đến cực điểm, sống cho hết để không còn ao ước gì nữa, sống cho chán chường. Trương thấy mình nô nức hồi hộp mà lại sung sướng nữa. Chàng sung sướng vì chàng thấy mình như con chim thoát khỏi lồng, nhẹ nhàng trong một sự tự do không bờ bến. Những cái ràng buộc, đè nén của cuộc sống thường không có nữa, chàng sẽ hết băn khoăn, hết e dè được hoàn toàn sống như ý mình.
- Chết thì còn cần gì nữa?" (trang 38)
Ðặt ngược lại vấn đề, Albert Camus bắt đầu cuốn tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền Thoại Sisyphe) bằng câu: "Chỉ có một vấn đề triết lý thật sự nghiêm túc: đó là tự tử, xét rằng đời đáng sống hay không đáng sống là trả lời câu hỏi cơ bản của triết học". Cả hai tác giả Nhất Linh và Camus, đi từ hai con đường khác nhau nhưng dường như đều cùng muốn điều tra ý nghĩa của cuộc sống từ cái chết. Rồi Nhất Linh và Camus đều chết bất đắc kỳ tử. Camus, tai nạn xe hơi ở tuổi 47, Nhất Linh tự tử ở tuổi 57, một trùng hợp phi lý.
Cái chết, trước tiên, đối với Trương là một giải thoát, khi giao hẹn "hôm nay mình chết" là Trương đã tự hóa, từ một người bị ràng buộc, trở thành người tự do, hồi sinh trong cuộc sống mới, với hai lớp lang: biết mình sắp chết và quên rằng mình đang sống.
Ở lớp thứ nhất, Trương quyết định tìm vui trong trụy lạc: trụy lạc thể xác và tinh thần. Về thể xác, hưởng thụ hết những thú vui nhục dục trước khi chết và về tinh thần, chiếm hữu tình yêu của Thu, người con gái tình cờ gặp mà ngay sau đó Trương đã muốn yêu như một trò chơi: yêu cũng được mà không yêu cũng được.
Ở từng thứ nhì, Trương sợ sống: không dám về nhà, muốn quên rằng mình đang sống, lẩn tránh những ý nghĩ của mình, sợ đối diện với chính mình. "Trương ở vào tình trạng một người không cần gì nữa, chỉ mong xảy đến cho mình một việc, bất cứ việc gì, miễn là khác thường để cho mình quên được sự sống" (trang 55). Hai trạng thái, hai lớp lang tâm thần ấy giao nhau trong một môi trường không có lối thoát: Sự trụy lạc mà Trương tìm đến như một ao ước hưởng thụ hết trước khi chết, không đem lại cho Trương tị ti thỏa mãn nào, và cuộc tình đối với Thu, mới đầu chỉ là một trò chơi, sau đã lấn át tâm hồn Trương, chi phối tư tưởng Trương như một lớp sống, một định mệnh thứ ba: Cái định mệnh quái ác, tưởng (yêu) đùa lại hóa (yêu) thật, tưởng chết lại không chết, lại sống, cứ sống, rồi chính cái sống thừa, sống ra ngoài mọi ước vọng ấy, đã chơi khăm Trương, vì mọi toan tính về định mệnh đều vô nghĩa: không ai có thể biết trước được định mệnh, kể cả những thầy thuốc giỏi nhất và cũng không ai dự đoán được kết quả một cuộc tình. Trương như con bướm trắng lượn trong các nẻo tâm tư của chính mình, Trương bay hết nơi này đến nơi khác, từ những phăng-tát cực đoan của một người bệnh bị cái chết ám ảnh trong mỗi phút sống, đến những giây phút hạnh phúc cũng như bi đát của một người bình thường, nhảy từ những ý nghĩ trong sáng, dịu dàng nhất đến những toan tính đen tối, đồi tệ, đê hèn nhất. Trương là bướm trắng bay trong não trạng của chính mình, Trương hành động, nhận xét mình hành động, mà không hiểu những gì đã xẩy ra quanh mình, cho mình.
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Nhất Linh":
- Viết Và Đọc Tiểu Thuyết
- Đôi Bạn
- Mối Tình -Chân-
- Truyện Ngắn Nhất Linh
- Xóm Cầu Mới
- Bướm Trắng - Nhất Linh
- Gánh Hàng Hoa