Từ rằm tháng hai sang đầu tháng ba, lại suốt tháng ba sang tháng tư, không một giọt mưa.
Cây cối xơ xác như sau một trận giông tố. Chỉ trừ một vài thứ cây chịu khô, chịu nắng như cây si, cây đa, cây tre là giữ được màu xanh tươi.
Bao nhiêu ruộng đồng cao đều nẻ toác. Những cây lúa cằn cỗi đâm tua tủa lên trời những lá cứng, vàng úa, ngọn cháy xém.
Không còn kiếm đâu ra nước mà tát.
Các ao chuôm cạn khô để phơi đáy bùn phần nhiều phủ cỏ và những cây cúc dại, hoa vàng chóe.
Chỉ mười hôm không mưa nữa là đi đời cả một cánh đồng hàng nghìn mẫu.
Nếu được cái lạch con ăn thông với cái đầm ở đồng cửa (ruộng triều) thì cũng chưa đến nỗi hoàn toàn thất vọng. Khốn nỗi các cụ không dám cho đào, sợ đứt long mạch, động đến làng, đến mồ mả nhà các cụ.
Ngày năm ngoái, hôm làng họp về việc cấp điền, ông Rao bàn đến vấn đề đào ngòi xây cống liên tiếp đồng nọ sang đồng kia để phòng đại hạn đã bị các cụ nhiếc móc thậm tệ. Các cụ cho ông là một người thiển cận, chỉ biết việc sờ sờ trước mắt, không nhìn xa đến tương lai, đến dòng dõi con cháu. Rồi các cụ kết luận:
- Thầy không am hiểu lý số có khác. Người ta không sợ nguy khi nào người ta không biết cái nguy. Thầy vào hạng người ấy đấy, thầy giáo ạ. Chúng tôi nói thầy đừng giận.
***
Trần Tiêu (1900 - 1954) là một nhà văn Việt Nam. Ông là em ruột của Khái Hưng và là "cộng tác viên thân tín" của Tự Lực văn đoàn.
Trần Tiêu sinh tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sau khi đậu bằng thành chung,[Ghi chú 1] ông mở trường dạy tư. Trần Tiêu không có ý định viết văn nhưng được sự khuyến khích của Khái Hưng nên cũng bước vào nghề văn khi đã 36 tuổi, và có một vài tiểu thuyết như Con trâu, Chồng con.
Sau cách mạng tháng Tám, Trần Tiêu viết tiểu thuyết Làng Cầm đổi mới phản ánh sự thay đổi của làng Cổ Am. Khác với Khái Hưng, Trần Tiêu đi theo cách mạng, làm Ủy viên Hội đồng nhân dân xã Cổ Am và tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian. Sau vì ốm nặng Trần Tiêu trở về Hải Phòng chữa bệnh rồi dạy học tư ở trường trung học Bạch Đằng.
Ông mất ở Hà Nội năm 1954, có tài liệu ghi ông mất tại Hải Phòng. Ông là cha của giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng và ông nội của diễn viên, đạo diễn Trần Lực.