Sẽ không bất ngờ nếu bạn đã đọc xong rồi nhưng vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ đi lạc, chân đi dép lê màu xanh, ngón chân bị toạc ra đến nỗi “ruồi bu quanh”.
Nhẹ nhàng, lắng đọng và buồn đến nao lòng - cuốn tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook là câu chuyện về một người mẹ giản dị, mộc mạc với đức hy sinh lớn lao và tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình.
Với những ai chưa đọc Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook, thì khi nghĩ về nó, hãy tạm quên đi tất cả những số liệu về doanh số cũng như những danh hiệu vẻ vang mà nó mang về cho nền văn học Hàn Quốc lúc bấy giờ. Đứng trên cương vị một người đam mê đọc sách và đam mê những vẻ đẹp cao thượng mà một cuốn sách có thể mang lại, nên chỉ nghĩ đến Hãy chăm sóc mẹ như một cuốn sách của tâm hồn, cuốn sách ấm áp và lấp lánh những giá trị thuần Á Châu của tình mẫu tử, tình thương và sự cao cả của hình ảnh người mẹ - hình ảnh chân phương và đáng ngưỡng mộ nhất. Kể cả khi cuốn sách đã gấp lại, bạn cũng sẽ nhận được một âm hưởng của thứ cảm xúc để lại dư vị xúc động mãi không nguôi…
Có thể nói, Hãy chăm sóc mẹ là tiếng nói thức tỉnh của tác giả dành cho tất cả mọi người. Đó là sự thức tỉnh ấm áp, sự thức tỉnh mang cả nước mắt và nỗi đớn đau, ngấm lâu và ngấm sâu vào tận trong tiềm thức. Cuốn sách đã trở thành một hiện tượng văn chương Hàn Quốc vào năm 2009, được dịch và xuất bản sang 19 nước khác ngay sau khi phát hành.***
Những lời khen tặng dành cho cuốn sách:
“Cuốn sách của tác giả nổi tiếng nhất Hàn Quốc này có thể làm mọi độc giả phải rơi nước mắt” - Library Journal.
“Cảm động và ám ảnh” - Newsday.
“Phần là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, phần là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của người phụ nữ; đây là một tác phẩm vô cùng cảm động” - Kirkus Reviews.
“Nao lòng… Thấm thía… Người đọc sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong câu chuyện về gia đình bán chạy nhất Hàn Quốc từ trước tới nay này” - Publishers Weekly.***
Shin Kyung-sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống. Shin Kyung-sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và sớm gặt hái thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng độc giả lớn và nhận được nhiều giải thưởng văn học trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy chăm sóc mẹ Shin Kyung-sook trở thành nhà văn châu Á nổi bật nhất năm 2009.
Tác phẩm:
Chuyện kể trăng nghe
Cô gái viết nỗi cô đơn
Hãy chăm sóc mẹ
***
Mẹ bị lạc đã một tuần.
Cả gia đình cô tập trung ở nhà anh cả Hyong-chol. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, mọi người quyết định soạn tờ rơi để đi phát ở nơi có người nhìn thấy mẹ lần cuối cùng. Việc đầu tiên là thảo tờ rơi. Tờ rơi là giải pháp quen thuộc trong trường hợp này. Gia đình có người lạc vốn chẳng làm được gì nhiều, huống hồ người bị lạc không phải ai khác mà chính là mẹ. Tất cả những gì gia đình cô có thể làm là đăng tin tìm người thân bị lạc, chia nhau đi tìm kiếm khắp nơi, dò hỏi khách qua đường xem có ai nhìn thấy người nào giống mẹ không. Cậu em cô đang kinh doanh quần áo qua mạng đã đăng tin mẹ mất tích, miêu tả địa điểm, tải ảnh của mẹ lên mạng, đề nghị nếu ai thấy người nào giống như vậy thì xin hãy báo cho gia đình. Cô muốn tìm đến những nơi mẹ có thể đã đến, nhưng cô biết rằng mẹ không thể tự đi tới bất cứ nơi nào trong thành phố này. Anh Hyong-chol bảo cô soạn nội dung tờ rơi bởi cô sống bằng nghề viết lách. Cô đỏ dừ mặt như thể vừa bị phát hiện làm một việc xấu xa nào đó. Cô không chắc những gì mình viết liệu sẽ có ích trong việc tìm mẹ hay không.
Khi cô viết ngày sinh của mẹ là ngày 24 tháng 7 năm 1938, bố cô nói rằng mẹ sinh năm 1936. Mặc dù trên giấy tờ đều ghi năm 1938 nhưng thực tế mẹ sinh năm 1936. Lần đầu tiên cô được nghe tới điều này. Bố cô bảo ngày xưa tất cả mọi người đều làm như thế. Có rất nhiều đứa trẻ sinh ra chưa đầy trăm ngày đã chết, vì vậy người ta thường nuôi con được vài ba tuổi rồi mới làm giấy khai sinh. Cô sửa số 38 thành 36, nhưng anh cả bảo phải viết năm sinh của mẹ là 1938 theo đúng như trên giấy tờ. Cô thầm nghĩ không biết có cần phải chính xác tới thế không khi đây chỉ là tự soạn tờ rơi chứ không phải khai báo với cơ quan chức năng, nhưng cô vẫn sửa số 36 thành 38, trong lòng tự hỏi không biết đến cả ngày sinh của mẹ cũng có thật là ngày 24 tháng 7 không.