Tại London, một cô gái trở về cạnh người cha đang hấp hối sau chuyến đi du lịch dài ngày. Trong lòng cô, cha cô không phải là người cha lý tưởng. Khi ở cạnh chăm sóc cha cùng người nhà, cô nhận ra được nhiều điều trước nay mình chưa biết.
Một người cha nay đã 60 tuổi vẫn là một kẻ lang thang, ông không còn bất kỳ tài sản gì trừ tình yêu với đứa con gái nhiều năm không gặp. Ông vẫn đi tìm, và thể hiện tình yêu đó theo cách của một ông già không có gì trong tay làm được.
Hành trình suy tưởng của hai nhân vật này về tình cha con, tình gia đình và những gì có được trong đời rất cảm động.***
Xếp thành một góc vuông, họ nằm xuống giữa quảng trường Trafalgar đầy nắng, nhìn lên bầu trời London và tự do ngắm mặt trời.
"Cảm giác như ta đang bay, giống như tôi mới là vật dịch chuyển chứ không phải những đám mây kia. Nếu tôi liếc qua hết góc nhìn, tôi sẽ thấy được đỉnh các tòa nhà - South Africa House, Canada House, Nhà triển lãm Quốc gia, nhà thờ St Martin-in-the-Fields và phần thân trên của những người qua lại.
Một cách chim hải âu lượn vào tầm mắt rồi đi mất. Tôi dõi theo đường bay chạm chạp, yên lặng của một chiếc máy bay, nghĩ tới hành khách trên đó đang nhìn xuống chúng tôi, thấy London càng lúc là nhỏ lại. Họ sẽ nhận biết hình dáng những tòa nhà, nhưng còn người ta - gồm có tôi, ông Daniel và mọi người quanh đây - sẽ vô hình đối với họ.
Tôi nghĩ chắc lâu lâu nữa tôi mới lại ngồi trong một chiếc máy bay, nhìn thế gian teo tóp lại thành những khối tí hon bên dưới.
Người ta đi vòng quanh chúng tôi; tôi nhận biết sức nặng của họ, nghe những câu chữ đứt đoạn của họ lơ lửng trong không khí một lúc rồi mới tan biến.
Tôi nghĩ về lời ông Daniel nói: nếu cháu đứng yên một chỗ đủ lâu, cháu sẽ cảm thấy nơi ấy là nhà." (Trích tiểu thuyết Anh "10 điều tôi học được về tình yêu")
"10 điều tôi học được về tình yêu" được viết rất đẹp ở các chi tiết nhỏ, với những nếp gấp bí mật giấu kín mà tác giả Sarah Butler chỉ bung mở dần dần qua từng đoạn tự sự, từng chương. Những độc giả chậm rãi sẽ vô cùng yêu thích, nhưng những độc giả thực dụng hơn lại có thể cảm thấy khó chịu vì sự dài dòng.
Đây là một cuốn tiểu thuyết đầu tay được cả New York Times, Business Insider lẫn Independent để mắt và dành cho những lời động viên, khích lệ. Chứa đựng những nét riêng đặc sắc, Sarah Butler có cách xây dựng ngôn ngữ đầy màu sắc và biểu cảm. Sử dụng kĩ thuật viết hai giọng, nhà văn Anh trẻ tuổi cũng đan cài triết lý của đạo Phật để gỡ giải một trong những nút thắt quan trọng nhất cho nhân vật của mình.
Alice - nhân vật chính của câu chuyện là một cô gái 28 tuổi, vóc người nhỏ nhắn với mái tóc đỏ xinh đẹp. Cô yêu tự do và cảm thấy xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Alice đã lang bạt ở tận Mông Cổ trước khi vội vã trở về nhà vì nhận được tin cha đang hấp hối.
Ngôi nhà vốn xa lạ với cô. Alice chỉ cảm thấy, mà không thể nhận biết những bi kịch của cha mẹ trước khi cô ra đời. Đó là sự quấn quyện của tình yêu, chịu đựng, sự tùy hứng, lòng yêu tự do và mọi điều khác biệt nữa giữa cha và mẹ - dù cả hai đều là người tốt.
Sự khác biệt giữa hai bọn họ đã làm nảy sinh bi kịch trước khi Alice ra đời. Nếu như trong nhiều câu chuyện khác, việc ngoại tình của người đàn ông thường hay xảy đến hơn và người phụ nữ đóng vai trò cam chịu, thì trong gia đình Alice là trường hợp ngược lại. Mẹ cô là một người phụ nữ đẹp và phóng khoáng - nhưng đồng thời bà cũng đã là một người mẹ đã gắn chặt trách nhiệm với gia đình và con cái, không thể bỏ đi theo tiếng gọi của tình yêu...
Người đàn ông vô gia cư mang tên Daniel được nhắc đến ở trong đoạn trích có liên hệ mật thiết với cuộc đời của Alice và mẹ cô. Trước đây, ông từng là một họa sĩ trẻ tài năng, một người say mê màu sắc và có tài trang trí. Một người mà mẹ Alice từng cảm thấy đó là lối thoát của cuộc đời mình.
Với những nhân vật có phần lạc lối xuyên suốt trong tác phẩm, cuốn sách dần được khép lại một cách thanh thản, an yên chứ không hề đau thương hay bi lụy. Ở cảnh cuối, một ông già vô gia cư và một cô gái trẻ xếp thành góc vuông trên mặt đất, ngắm hoàng hôn buông dần trên quảng trường London. Họ gọi đó là tự do và đứng yên để thành phố mở lòng ra đón nhận.
Một tác phẩm bình dị, chan chứa tình yêu thầm kín, hơi ấm của gia đình, và cả sự vị tha.***
Mười lý do để ở lại
1. Bà chị cả có thai.
2. Bà chị kế có khả năng lấy đó làm cớ sinh sự.
3. Tôi mệt mỏi.
4. Đôi khi tôi cảm thấy như đi trong vòng tròn lẩn quẩn.
5. Tôi ghét những căn phòng khách sạn.
6. Tôi ghét chứng đờ đẫn sau chuyến bay.
7. Tôi có thể làm quen ai đó. Quỷ thật, có khi tôi lấy chồng rồi đẻ con luôn ấy chứ.
8. Bố muốn tôi ổn định cuộc sống, ông lo ngày lo đêm chuyện tôi cứ bay tới những miền đất xa lạ.
9. Hai bà chị nghĩ lúc nào tôi cũng trốn chạy.
10. Tôi muốn ngừng trốn chạy.
Tôi chà chà tràng hạt nhựa vào ngực, đi theo ông Daniel qua bãi cỏ, xuống Đồi Nghị Viện. Không hiểu sao tôi lại đeo chuỗi hạt ấy vào. Chắc trông tôi ngố lắm. Hạt dẻ ngựa gõ vào xương ức khi tôi bước đi. Hồi còn nhỏ tôi hay lượm lặt dẻ ngựa, gom lại thành cả bụm bóng loáng. Rồi mỗi năm qua đi, tôi lại buồn bã khi vỏ hạt mờ dần, nhăn lại, dù tôi biết trước là chúng sẽ như vậy.
Trước đường chạy bộ, ông Daniel quành sang trái, băng qua khoảng sân quần vợt, nhà hóng mát, quán ăn có cửa kính, rồi ngang hồ bơi ngoài trời, xuống nhà ga Gospel Oak. Chúng tôi đứng chỗ những ngọn đèn, và tôi tự hỏi những người lái xe ngang qua nghĩ gì, họ có thấy một cô gái trẻ - người đã ngủ một mình ngủ dưới tán cây trong công viên Hamstead Heath - đứng cùng một ông già, thoáng nhìn qua cũng biết chắc là kẻ không nhà. Họ sẽ không để ý, mà nếu có cũng không quan tâm làm chi. Tôi sờ túi quần jean kiểm tra xem mảnh bìa cứng còn nguyên không.
Trước khi tới một dãy căn hộ cao tầng xây bằng gạch tối màu kiểu thập niên bảy mươi, chúng tôi băng qua một khu toàn những dãy nhà gạch sơn phết đẹp đẽ, dây tử đằng bò quanh, hàng rào thuỷ lạp xén tỉa gọn gàng. Rồi lên cầu. Ông Daniel dừng giữa cầu, chúng tôi nhìn qua lưới lan can cầu xuống những đường ray thẳng tắp bên dưới.
“Nếu bây giờ ông có thể tới bất kỳ nơi nào, ông chọn đi đâu?”
Một chuyến xe lửa vụt qua, cây cầu rùng mình dưới chân chúng tôi. Ông Daniel rà ngón tay dọc lan can, tạo ra những tiếng trầm trầm. “Tôi sẽ ở lại đây,” ông nhìn tôi đáp.
Đêm ấy tôi nằm mơ thấy ông - một cơn mơ vừa thật, vừa khiến tôi hoang mang. Cả hai tháo bàn tay ra cứ như búp bê, rồi đổi cho nhau. Có điều khi tôi nhìn lại, tôi thấy từ cổ tay trở xuống là tay của chính mình. Lúc tôi thức dậy thì ông đã ở đó, rồi kỳ lạ một nỗi, tôi nghe như đang ở trong căn nhà thật sự của mình. Tôi có thoáng nghĩ qua, rằng có lẽ ông và mẹ tôi... Nhưng điều ấy thật ngớ ngẩn, tôi không muốn nhớ tới nữa. Tôi quý ông, chỉ vậy thôi.
“Tôi sẽ đi Inverness, hoặc đâu đó xa hơn về hướng bắc. Tôi sẽ tới cực bắc của Scotland rồi bắt thuyền qua Iceland, hoặc đâu đó ở Na Uy. Tôi sẽ đi ngắm bắc cực quang, vì đã xem qua nhiều hình ảnh mà thấy giả giả thế nào.”
Ông cười, nhưng có chiều buồn bã, nên tôi im. Chúng tôi bước tiếp, ngang qua một toà nhà đơn độc, tua tủa xung quanh là những bảng Cho thuê, có xe máy và chậu cây cùng những lá cờ đội bóng dán trên kính ban công đã phai mờ. Chúng tôi tiến vào sự hỗn độn của con đường Kentish Town, đến khi ông quặt sang khúc cong ngõ St. Pancras, men theo bên trái đến khu Agar Grove. Chúng tôi không chuyện trò mấy, nhưng kỳ lạ là nhịp bước cả hai dường như đang nói chuyện với nhau. Cứ một lúc ông Daniel lại dừng và nhặt gì đó lên - một nắp chai màu vàng kim; một cái nút vàng giữa có một cái sao; một cây đinh gập thành góc vuông. Ông nhìn nhìn những thứ ấy, rồi cho vào túi.
“Tôi thích áo khoác của ông,” tôi nói.
Ông bật cười. “Một gã tên là Thợ Săn cho tôi đó.”
“Thợ Săn à?”