Bộ sách Nghìn xưa văn hiến gồm 3 tập, được xây dựng từ những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước với vai trò chủ đạo của nhà sử học Trần Quốc Vượng cùng sự đóng góp công phu của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa truyền thông có uy tín: Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Cao Lũy, Nguyễn Thản, Nguyễn Trần Đản.
Bộ sách tái hiện lịch sử Việt Nam suốt từ thời thượng cổ cho đến trước thềm thế kỉ 20. Ngoài ra, bộ sách còn ghi chép, sưu tầm những truyền thuyết, dã sử được lưu truyền trong dân gian về sự tích những nhân vật lịch sử, những anh hùng dân tộc được tôn vinh như thần thánh.
Tìm hiểu lịch sử để kế tục xứng đáng hơn với những con người lịch sử từ buổi đầu dựng nước, giữ nước thời kì vua Hùng, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… đến thời đại Hồ Chí Minh, đưa đất nước Việt Nam tiến nhanh hơn trên dòng năm tháng.***
Chu Văn An người làng Quang Liệt nay là xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ, An sớm là người có nghị lực, ngày đêm chuyên cần học tập, lại chăm sửa mình cho trong sạch, không cầu danh lợi. Lớn lên đi thi, Chu Văn An đậu Thái học sinh (tiến sĩ) đời Trần. Vốn là người ham đọc sách hơn ham mũ cao áo rộng nên ông không chịu ra làm quan mà lui về mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, giáp làng Quang Liệt. Cái học của ông chủ ở thực hành, cốt xét cho rõ lẽ, giữ ngay chính lòng mình, trừ gian tà, bỏ thói bậy. Học trò trong nước nghe danh đổ về theo học ông đông lắm. Trọng đạo làm thầy, giữ mình ngay thẳng, ông rất nghiêm nghị với học trò. Nhiều người sau này thành đạt rồi, như Phạm Sư Mạnh người ở Hiệp Sơn (Hải Dương) và Lê Quát người huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đều đỗ Thái học sinh, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển (Tể tướng) mà khi về thăm thầy cũng phải quỳ lạy dưới giường. Hễ được thầy bảo ban cho mấy lời thì lấy làm hân hạnh lắm. Bằng có điều gì không phải, thầy liền quở trách ngay, có khi còn quát mắng đuổi đi, không cho vào gặp. Khắp thiên hạ từ quan đến dân đều tôn quý ông, kính trọng ông như bậc thầy.
Tiếng tăm ông lừng lẫy động đến tận cung cấm. Vua Trần Minh Tông hâm mộ, liền vời ông ra làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, giảng sử sách cho thái tử. Đáp lại thành lý của vua, ông đành rời Huỳnh Cung vào kinh thành nhận chức. Khanh tướng trong triều, nho sĩ bốn phương hay tin ấy đều hoan hỉ. Quan tư đồ Chương Túc Hầu Trần Nguyên Đán làm bài thơ mừng ông, trong có câu:
Học hải hồi lan tục tái thuần
Thượng trường Sơn Đẩu đắc tư nhân. (Bể học xoay chiều sáng, phong tục trở lại thuần hậu.
Trường cao cấp nhất nước mời được ông thầy sáng như sao Bắc Đẩu, vững tựa núi Thái Sơn).