Đây là một quyển sách nhỏ rất cảm động đã được in lần đầu vào tháng 10, năm 2002. Quyển sách nói về một ông thầy già nua có thật ngòai đời, một cậu sinh viên cũ của người thầy khả kính đó, và những bài học cuối quí giá nhất trên đời. Văn phong của Mitch Albom rất giản dị, kể chuyện một cách rất nhẹ nhàng tâm tình, về những kỹ niệm với ông thầy khả kính và rất ư có cá tính ấy. Sau những ngày thăm viếng thứ ba kết thúc, chúng ta cũng sẽ rất ngậm ngùi thương tiếc cho những kỹ niệm đẹp tuyệt vời mà ông Mitch Albom ghi lại cho chúng ta cùng nhón chân nhìn vào những bài học tuyệt vời đầy tình người với người của cặp thầy trò này.***
Mitch Albom là một nhà báo, giữ mục thể thao cho tờ Detroit Free Press. Liên tiếp mười năm, lúc chỉ vào lứa tuổi trên 30, anh chàng ký mục gia thể thao này, được Hội Ký Giả Thể Thao (Associated Press Sports Editors) vinh danh là người ký muc gia thể Thao hay nhất. Thế rồi một ngày nọ, vì một sự đình công, anh đã tạm ngưng viết mục ký Thể Thao, để hoàn thành quyển sách, sau này là quyển sách bán chạy nhất trong năm 1977 - Quyển sách không liên quan gì tới thể thao. Một quyển sách viết về kinh nghiệm cuộc đời của một giáo sư đại học già đang chết dần mòn vì bệnh Lou Gehrig.
Một tối nọ, Mitch Albom đang đổi từ đài này qua đài khác không mục đích, và anh bỗng chú ý tới chương trình "Nightline" của Ted Koppel. Kìa người ta đang nói về ông Thầy yêu quý của anh! Từ lâu khi ra khỏi đại học, anh không còn liên lạc với ông Thầy Xã Hội Học, mà anh rất thân từ thuở bận quần jeans, áo thun, và đầu óc đầy lý tưởng. Giờ đây Mitch Albom là ký mục gia ăn khách, người ta cần anh viết về các trận banh, bóng rỗ, túc cầu, baseball, quần vợt nóng bỏng. Thêm vào đó anh còn làm cho đài radio, xuất hiện trên đài truyền hình, anh bận rộn với các các buổi phỏng vấn về các tay thể thao gia nổi tiếng đương thời. Anh chạy theo từng mùa của thể thao và quên mất ông Thầy yêu quý đã từng có những buổi nói chuyện đời lý thú với.
Sau buổi truyền hình, Mitch Albom gọi điện thoại hỏi thăm người thầy già, rồi bay về lại thành phố đại học cũ để thăm thầy. Và từ đó mỗi ngày thứ Ba cho đến khi Thầy Morrie Schwartz qua đời, hai thầy trò gặp nhau. Một thầy giảng về cuộc đời, và một trò ghi chép bài học và cảm nghĩ đã thay đổi đời sống của anh.
Dù Thầy đang chết dần mòn nhưng thế giới thầy đầy tình yêu và hy vọng. "Tình Yêu là sự hiện diện của ta trên cuộc đời, dù rằng thể xác ta đã ra đi (Love is how you stay alive, even after you are gone). Mitch Albom đã ghi lại kinh nghiệm của một người đang chết dần mòn, nhưng tư tưởng của ông vẫn còn mãi mãi. Đó là quyển "Những Ngày Thứ Ba Với Thầy Morrie" (Tuesdays with Morrie) của Mitch Albom.***
Khoá học cuối đời của vị giáo sư già của tôi diễn ra mỗi tuần một buổi tại nhà ông bên cạnh cửa sổ phòng đọc sách, nơi ông có thể nhìn ngắm một cây dâm-bụt, rụng lá đỏ hồng. Lớp nhóm vào mỗi ngày thứ ba. Bắt đầu sau bữa ăn sáng. Môn học là Ý Nghĩa Cuộc Đời. Dạy theo kinh nghiệm.
Không có điểm sắp hạng nhưng có thi vấn đáp mỗi tuần. Sinh viên phải trả lời câu hỏi và phải tự đặt câu hỏi của mình. Cũng phải làm một vài công việc tay chân như nâng đầu giáo sư lên để vào một tư thế thoải mái, hoặc đeo cặp kiếng của ông vào sống mũi. Hôn ông từ giã cũng được thêm điểm.
Không cần sách nhưng bàn nhiều về đề tài, bao gồm lòng nhân ái, làm việc cộng đồng, gia đình, tuổi già, tha thứ và cuối cùng là cái chết. Bài giảng cuối cùng rất vắn tắt chỉ có vài chữ.
Đám tang diễn ra thay cho lễ tốt nghiệp. Mặc dầu không thi cuối khoá nhưng sinh viên phải viết một bài dài về những gì đã học được. Bài ấy được trình bày ở đây.
Khoá học cuối cùng của vị thầy già chỉ có một sinh viên. Sinh viên đó là tôi.
Khoảng cuối mùa Xuân năm 1979, vào một buổi chiều Chủ Nhật nóng bức, nhễ nhại. Tụi tôi cả trăm đứa ngồi với nhau, bên cạnh nhau, trên nhiều dãy ghế xếp đế trên nền cỏ trong khu trung tâm đại học. Chúng tôi mặc áo thụng nylon màu xanh dương và nghe bài diễn văn dài đến sốt ruột. Khi cuộc lễ chấm dứt, chúng tôi ném mũ lên trời và thế là chúng tôi chính thức tốt nghiệp, hoàn thành năm chót của đại học Brandeis, nằm trong thành phố Waltham, Massachussetts. Đối với nhiều đứa chúng tôi, tuổi thơ vừa mới hạ màn.
Sau buổi lễ, tôi gặp Thầy Morrie Schwartz, ông thầy mà tôi quý mến nhất và giới thiệu Thầy với ba má tôi. Ông là người nhỏ bé, bước đi là những bước ngắn như thể là gió mạnh lúc nào cũng có thể bốc ông lên tới mây. Trong bộ lễ phục ngày tốt nghiệp, trông ông giống như một cây thánh giá dựng giữa ông tiên tri trong Kinh Thánh và một thiên thần tí hon vào dịp Giáng Sinh. Mắt ông long lanh hai màu xanh dương lục, tóc thưa mỏng màu bạch kim xoà xuống trán, đôi tai lớn, sóng mũi hình tam giác và hai chùm lông mày hơi ngả màu. Mặc dầu răng ông không đều đặn và hàm răng dưới thụt vào trong -- giống như có ai đấm xô vào trong -- khi ông cười lại giống như khi bạn vừa nói một câu khôi hài chưa ai từng nói trên trái đất này. Ông bảo ba má tôi là tôi đã chọn tất cả những giảng khoá mà ông dạy. Ông bảo ba má: "Ông bà có một cậu con đặc biệt lắm đấy. " Tôi bối rối nhìn xuống đôi chân. Trước khi chia tay, tôi trao tặng ông thày một gói quà là chiếc cặp da màu xám với tên tắt của phía trước chiếc cặp. Tôi đã mua chiếc cặp này ngày hôm trước tại một thương xá. Tôi không muốn quên ông. Có lẽ tôi không muốn ông quên tôi thì đúng hơn.
"Mitch, cậu là một trong những sinh viên giỏi. " Ông vừa nói vừa ngắm chiếc cặp. Rồi ông ôm tôi. Tôi cảm thấy hai cẳng tay gầy gò ôm quanh lưng. Tôi cao hơn ông nên khi ông ôm tôi, tôi cảm thấy ngượng ngùng như tôi là một phụ huynh và ông là một thằng nhỏ.
Ông hỏi rồi đây tôi sẽ còn liên lạc với ông nữa không, tôi không do dự trả lời: "Dĩ nhiên còn chứ, Thầy".
Khi ông lùi ra, tôi thấy ông khóc.