Lúc mặt trời chen lặn, tại nhà ga xe lửa Tân-an thiên hạ lao nhao lố nhố, người đợi xe đi Mỹ-tho thì sắp soạn hành lý lăng xăng, kẻ chực rước người ở Sài-gòn về thì đi tới đi lui lóng nhóng.
Đồng hồ vừa gõ sáu giờ, thì nghe tiếng síp-lê (1) vang rân. Mấy người tới trễ, lật đật chạy vô nhà ga mua giấy đụng sắp nhỏ té lăn cù, mấy tên đánh xe đón rước khách, dành nhau đứng trước, nên xô lấn chửi nhau inh ỏi.
Ông Hương sư Trần Văn Sắc, ở Tầm vu, có một đứa con trai tên là Trần Văn Phong, tuổi vừa mới hai mươi mà đã thi dậu Đíp-lom, nên tuần trước ông cho nó lên Sài-gòn mà thi vào ngạch Soái-phủ Nam-Việt. Bữa trước nó đánh dây thép (2) về cho ông hay rằng nó thi đậu số 2, và hẹn chiều bữa nay nó về, nên hồi trưa ông dạy gia-dịch đứa bắt heo làm thịt, đứa đi mời hương chức bà con, rồi ông mướn một cái xe hai bánh, đi với Thôn trưởng Lê Văn Nuôi lên Tân-an đón rước nó.
Ông thấy xe lửa qua cầu thì trong lòng ông khấp khởi, ngoài mặt thời tươi cười, tay cặp cây dù cán tre mà vì mừng mà run run làm cho cán dù lúc lắc hoài; chơn mang giày hàm ếch mà vì đi qua đi lại hồi chiều đến giờ nên bụi cát đóng mốc thích (3).
Xe lửa ngừng trước nhà ga, hành khách chen lấn kẻ lên người xuống coi rất náo nức.
Trần Văn Phong mình mặc một bộ đồ u học trắng, có thắt cà ra hoách (4) xanh, chơn mang giày da vàng, đầu đội nón nĩ xám, tay xách va ly nhỏ, ở trên xe bước xuống, mắt ngó dáo dác, mà mặt lại nghiêm chỉnh, dường như muốn hỏi: “Tôi thi đậu rồi nên về đây, không ai thấy hay sao?”
Thiên hạ tuy đông, song ai mắc lo phận nấy, nên không ai ngó thấy, duy có ông Hương sư Sắc với ông Thôn Nuôi dòm kiếm phía trước không có, chừng day lại thấy Trần Văn Phong thì bươn-bả (5) đi lại, tay ngoắt miệng kêu, chừng ấy mới có ít người hành khách dòm ngó.
Trần Văn Phong chào cha với ông Thôn Nuôi rồi hỏi rằng:
- Cha đi với ông Thôn hay còn ai nữa?
Hương sư Sắc đáp:
- Không, cha đi với ông Thôn mà thôi, đi rước đông chi cho tốn xe. Tuy vậy mà cha có sai bầy trẻ mời hương chức với bà con tựu ở nhà đủ hết. Hôm qua được dây thép, má mầy mừng quýnh, nên má mầy đốc cha làm heo mà tạ đất nước ông bà. Có xe cha mướn nên chực sẵn mà rước đây, vậy thôi lên xe về riết kẻo má mầy với hương chức ở nhà họ trông. Ba người dắt nhau lên xe. Xe hai bánh mà chở được bốn người ngồi day mặt phía trước và hai người ngồi day mặt phía sau. Ông Thôn ngồi sau mà cứ day mặt ra phía trước ngó Trần Văn Phong và nói rằng:
- Thầy hai thiệt là giỏi! Mới thi đậu bằng cấp tài năng đó rồi thi thơ ký lại đậu luôn nữa, thuở nay trong làng chưa có ai giỏi như vậy. Thầy về đó mà coi, từ hôm qua đến nay họ đồn rùm, ai cũng hay thầy thi đậu rồi hết.
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Hồ Biểu Chánh":
- Chúa Tàu Kim Quy
- Tại Tôi
- Đỗ Nương Nương Báo Oán
- Hai Thà Cưới Vợ
- Hai Khối Tình
- Kẻ Làm Người Chịu
- Chị Đào, Chị Lý
- Nợ Đời
- Hạnh Phúc Lối Nào
- Ai Làm Được
- Ý Và Tình
- Cười Gượng
- Vợ Già Chồng Trẻ
- Tỉnh Mộng
- Đóa Hoa Tàn
- Lời Thề Trước Miễu
- Lòng Dạ Ðàn Bà
- Mẹ Ghẻ Con Ghẻ
- Vì Nghĩa Vì Tình
- Con Nhà Giàu
- Con Nhà Nghèo
- Tơ Hồng Vương Vấn
- Sống Thác Với Tình
- Đoạn Tình
- Ăn Theo Thuở, Ở Theo Thời
- Tiền Bạc Bạc Tiền
- Ông Cử
- Từ Hôn
- Thiệt Giả Giả Thiệt
- Người Thất Chí
- Ái Tình Miếu
- Cay Đắng Mùi Đời
- Cha Con Nghĩa Nặng
- Nam Cực Tinh Huy
- Nặng Gánh Cang Thường
- Chút Phận Linh Đinh
- Bức Thư Hối Hận
- Cư Kỉnh
- Lạc Đường - Hồ Biểu Chánh
- Ngọn Cỏ Gió Đùa
- Nợ Tình - Hồ Biểu Chánh
- Tân Phong Nữ Sĩ
- Thầy Chung Trúng Số
- Thầy Thông Ngôn